Hỗ trợ trực tuyến

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?

26/10/2020 15:46:41 Chia sẻ bài viết

Những ngày qua, nhóm PV VietNamNet đã có mặt tại các vùng tâm lũ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và TT-Huế để ghi nhận tình hình lũ lụt và công tác ứng phó, cứu trợ.

Hàng nghìn lượt đoàn cứu trợ trên mọi miền Tổ quốc những ngày qua đổ về các tỉnh trên, mang theo lượng lớn nhu yếu phẩm, thuốc men... hỗ trợ người dân. Tuy nhiên việc cứu trợ đang gặp nhiều khó khăn khi nước vẫn còn ngập, việc di chuyển để đưa hàng cứu trợ tới dân rất khó khăn.

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Đoàn cứu trợ tại Hà Tĩnh đang được lực lượng chức năng hướng dẫn để thuận lợi trong việc cấp phát hàng. Ảnh: Quốc Huy

Bà con cần gì?

Chị Nguyễn Thị Nhị (thị trấn Kiến Giang, Lệ Thuỷ), người liên tục cứu trợ người dân vùng lũ mấy hôm nay chia sẻ: “Họ đói và rét. Tuy nhiên, những ngày này đoàn cứu trợ về nhiều nên đỡ hơn. Giờ cái cần nhất của họ là áo phao, đèn pin, gạo nấu cơm tại điểm sơ tán tập trung. Còn chính quyền thì rất cần ca nô, thuyền để giúp dân chạy lũ”.

Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, vấn đề bức thiết đối với người dân rốn lũ Quảng Bình lúc này là nhu cầu về lương thực, thực phẩm để vượt qua đói rét.

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Chị Nguyễn Thị Nhị ở Lệ Thuỷ trao đổi với PV.VietNamNet về những nhu cầu bức thiết của dân vùng lũ. Ảnh: Xuân Thìn

"Vì vậy, chúng tôi mong các đoàn cứu trợ trước mắt hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm như mì tôm, lương khô, đồ ăn nhanh, thuốc men... để người dân có thể chống đói trong khoảng 5-10 ngày tới”, ông Tình cho biết.

Trong khi đó, tại huyện Tuyên Hóa, nước cơ bản đã rút, mặc dù vẫn cần lương thực nhưng hiện bà con cũng rất cần cây giống, vật nuôi và đặc biệt cần trang thiết bị ở các trường học, nhất là trường mầm non để các cháu sớm trở lại trường.

Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư huyện ủy Minh Hóa thông tin, so với hôm qua nước xuống hơn 1m, xã Tân Hóa còn ngập, các xã khác nước cũng đã xuống, chỗ sâu còn ngập khoảng 3m.

“Bà con đang cần lương thực và nước uống, mấy hôm nay nhiều đoàn cứu trợ đến đều được ban tiếp nhận của huyện bố trí xuồng của lực lượng công an, quân đội để kịp thời đến với bà con”, ông Tuấn nói.

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Đoàn cứu trợ của chị Diệu Linh tại điểm vào địa bàn ngập lụt xã Cam Liên. Ảnh: Duy Tuấn
Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Đoàn xe cứu trợ ùn ứ ở Cam Liên tối qua. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Trần Quang Minh, Phó chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Lúc này nếu có cơm cho bà con ăn thì tốt quá, nhưng vấn đề ở chỗ, cơm không đưa vào các vùng sâu xa được và cũng không bảo quản được lâu. Chỉ có đồ khô như mì tôm, lương khô, nước sạch là bảo quản được.

Còn các đoàn cứu hộ tự phát thì rất khó quản lý, vì họ cũng có người thân, gia đình, làng xóm kêu cứu nên họ đến là đúng. Còn các nguồn lớn thì mặt trận tỉnh phải theo dõi để điều phối cho sát với thực tế, để hàng hóa sẽ đến được nơi cần đến nhất”.

Ông Trần Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, “hiện nay tỉnh đang tập trung cao điểm ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, vì 2 huyện này nước ngập sâu và ngâm lâu. Sau khi công tác cứu hộ của các lực lượng đảm bảo đưa người dân đến nơi an toàn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban tỉnh và các huyện đưa mì tôm, lương khô, nước sạch về cho người dân".

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Áo phao là 1 trong những thứ bà con vùng lũ rất cần. Ảnh: Duy Tuấn

Tại Quảng Trị, ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, 2 ngày trở lại đây, nước lũ đã rút dần, hiện còn khoảng 2.000 nhà dân vẫn đang trong diện ngập lụt do nước lũ còn cao khoảng 0,3 -3m.

"Đối với người dân Hải Lăng lúc này, họ cần lắm những tấm lòng hảo tâm ứng cứu gạo, con giống hoặc hỗ trợ kinh phí để bà con ổn định sinh kế, tính hướng chống chọi với lũ lụt lâu dài”, ông Thịnh chia sẻ.

Nên cứu trợ thế nào?

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo Phong trào MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay tiếp nhận cứu trợ thông qua mặt trận các cấp. Ở Hà Tĩnh có một số vùng đang cần cứu trợ như huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, huyện Lộc Hà, nhưng nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên.

Hiện ở huyện Cẩm Xuyên nước đã rút ở một số điểm cao, còn lại xã thấp vẫn chưa rút.

“Hiện ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà đã có nhiều đoàn cứu trợ. Một số đoàn thông qua mặt trận tỉnh họ trao tiền, còn hàng hóa họ đưa xuống dưới dân. Nếu như thông qua hệ thống mặt trận thì phân chia sẽ hợp lý hơn.

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Người dân vùng biển Lệ Thuỷ mang thuyền lên đồng bằng, trợ giúp cứu hộ cho người dân vùng ngập lũ. Ảnh: Duy Tuấn

Ví dụ bây giờ phân chia về tỉnh, tỉnh sẽ phân bổ về huyện, huyện sẽ phân bổ về các xã. Bởi tỉnh cũng không nắm hết được nên huyện họ nắm rõ và phân bổ về xã sẽ hợp lý hơn. Nên thông qua một tổ chức chứ tự phát như thế sẽ không cân đối được, vùng sẽ nhận được ít, vùng lại nhận được nhiều”, chị Huyền nói.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho hay, hiện nay các đoàn vào huyện để cứu trợ khá đông. Đang còn 5 xã ngập: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ. Còn trục đường vào xã thì còn hai xã chưa vào được là Cẩm Vịnh và Cẩm Thạch. Còn lại ngập cục bộ đang rất nhiều.

“Chúng tôi có bộ phận thường trực gồm mấy chục người đang ở huyện và các đoàn đang đến đây, hiện tại đơn vị đang tiếp nhận cứu trợ. Sau khi tiếp nhận, có đoàn nào mà họ có nhu cầu đi trực tiếp người dân hoặc đi các xã, thì chúng tôi sẽ giới thiệu, dẫn họ đi trực tiếp.

Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Vùng lũ miền Trung đang cần cứu trợ cái gì?
Cô giáo Trần Thị Tân, Hiệu phó Trường Tiểu học số 1 Sen Thuỷ đang chuẩn bị hàng trăm suất cơm để cứu trợ người dân vùng ngập lũ trưa nay. Ảnh: Duy Tuấn

Còn nhu yếu phẩm như lương khô, thực phẩm thông qua huyện thì chúng tôi sẽ tập trung lại, phân phối một cách công bằng giữa các xã, bố trí xe tải cao gầm, đưa lên trung tâm xã. Sau đó bố trí ca nô, xuồng đưa xuống trực tiếp cho người dân”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, hiện nay mì tôm các đoàn đưa về tương đối nhiều, nhưng hàng hóa cần cứu trợ nhất là chăn ấm, gạo, các thực phẩm có thể nấu ăn được, bởi nước bắt đầu rút, dân có thể về nhà nấu ăn được.

“Tiền mặt thì sau khi nước rút, dân về nhà ổn định, các nhà tài trợ vào, sẽ giới thiệu về và bình xét, mời các đoàn đi trao trực tiếp chứ chúng tôi rất ngại tiếp nhận tiền mặt trực tiếp, bởi vì khó kiểm soát mà gặp sơ suất lại mất hay”, ông Long nói.

Về các đoàn tự nguyện tự phát, theo ông Long đến thời điểm này cơ bản ổn bởi lẽ rất nhiều xã và dân ngập hoàn toàn. Do vậy họ đưa vào dân, nhu cầu của dân rất lớn, thành ra chưa gây lãng phí và chưa gây chồng chéo.

“Nhưng khi nước rút rồi, các đoàn tự phát sẽ xảy ra những phiền toái, nơi được nhận nhiều nơi lại nhận được ít. Do đó mong các đoàn tài trợ có thể trực tiếp trao cho người dân nhưng thông qua kênh của tổ chức, tổ chức giới thiệu về thì tránh chồng chéo. Tránh trường hợp thôn này về nhiều, thôn kia được ủng hộ ít, trong khi ngập lũ thì gây thiệt hại như nhau”, ông Long nói thêm.

Theo Vietnamnet/Duy Tuấn - Thiện Lương - Quang Thành - Hải Sâm

 
 
Chia sẻ bài viết
Nhà sản xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN HERB VIỆT NAM

Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464

Email: hevina2017@gmail.com