Hiếm hoi lời “cảm ơn”, “xin lỗi” trong gia đình
Gần 20 năm trước tôi về Hà Nội ôn thi đại học, được bố gửi vào nhà người bạn cùng chiến hào ở phố Hàng Rươi, là người Hà Nội gốc. Tôi ngỡ ngàng trước phố xá tấp nập, những ngôi nhà đẹp nối dài, những món ăn ngon… và đặc biệt là cách cư xử lịch thiệp của mọi người trong nhà cô chú.
Lời "xin lỗi, cảm ơn" đúng lúc có tác dụng hòa giải mạnh mẽ. Ảnh minh họa.
Cả nhà nói với nhau rất nhẹ nhàng, luôn dùng 2 câu nói "cảm ơn, xin lỗi", kể cả hai con của cô chú đứa học tiểu học, đứa trung học đều nói "cảm ơn, xin lỗi" đúng lúc. Tôi đã thấy con gái cô chú nói "cảm ơn" khi người hàng xóm mang cho bát cà muối. Con trai cô chú thì "xin lỗi" khi chạy ra ngoài lỡ va phải cậu bé cùng ngõ… Tôi rất thích cách giao tiếp ngôn ngữ thanh tao của họ, và quyết thi đỗ đại học để về Hà Nội, được nói "cảm ơn, xin lỗi" mỗi ngày.
Giờ đây tôi đã ổn định ở Hà Nội, được dạy các con 2 câu nói "cảm ơn, xin lỗi" hàng ngày từ bé, nhưng dường như lớn lên đi học chúng "quên" dần. Sáng chủ nhật ấy cả nhà vào quán ăn, tôi đánh đổ cốc nước chè xanh phải gọi mấy lần cô nhân viên mới đưa cho tờ giấy ăn để lau. Khi nói "Cảm ơn em" tôi đã không nhận được câu trả lời! Con trai tôi bảo: "Mẹ thấy chưa, ở ngoài đường họ không nói "xin lỗi, cảm ơn" đâu!
Lúc sau cả nhà tản bộ trên vỉa hè đi về, bỗng có cô gái trẻ đâm xe máy vào một bà trung niên đi chợ về. Va chạm nhỏ và hình như ai cũng có lỗi: Cô gái thì phóng xe nhanh vào ngõ mà không quan sát nên đâm phải bà trung niên tay xách nách mang bao nhiêu đồ. Còn người bà trung niên thì không đi trên vỉa hè vì không hiểu xe ô tô ở đâu vào đỗ đầy hai bên đường.
Nói lời "xin lỗi" mọi chuyện sẽ nhanh chóng êm đẹp. Ảnh minh họa.
Cô gái bực vì đổ xe và ngã đau. Bà trung niên thì nổi cáu vì bao nhiêu hoa quả, trứng, đậu phụ đổ vỡ tung tóe. Lời qua tiếng lại càng lúc càng căng thẳng. Cả nhà đi qua rồi tôi mới nói với hai con rằng: "Giá lúc ấy chỉ một trong hai người nói lời xin lỗi thì có lẽ mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp. Nhưng tiếc thay không có ai nói ra mấy lời có cánh đó".
Hà Nội bây giờ văn minh hơn, người có học nhiều hơn, đời sống khá hơn… cái gì cũng hơn xưa… Riêng lời "cảm ơn, xin lỗi" thì hiếm gặp (dù lời đó trẻ lên 3 cũng nói được), và trong ứng xử vợ/ chồng là những người thân thiết nhất nhiều người đã không sử dụng.
Nhiều cặp đôi trách giận nhau, bỏ nhà đi, cho rằng "không được yêu thương" rồi làm khổ nhau, thậm chí tổn thương, đau lòng, ly hôn… bởi ai cũng cho là mình đúng, ai cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ nên phải "cao hơn", phải "thắng" và chẳng ai chịu mở lời "xin lỗi" trước. Vì thế nên nhiều cặp lâm vào cảnh giận hờn dai dẳng, thậm chí quên cả tình yêu thương, quên cả mùi hương của nhau… dẫn tới coi nhau như kẻ thù vì không thốt được lên lời "xin lỗi, cảm ơn".
Hãy nên nói lời xin lỗi ngay... Ảnh minh họa.
Cha mẹ khó mở lời xin lỗi
Lời "xin lỗi" hiểu nôm na là đã biết được lỗi lầm và cảm thông với sự giận hờn của người thân. Lời "cảm ơn" là cụm từ được trân trọng nhất nhưng lại chưa được sử dụng đủ trong cuộc sống ngày nay. Nhưng dường như lời "xin lỗi, cảm ơn" giờ nhiều người khó nói, vì họ không biết nó có tác dụng vô cùng to lớn trong việc duy trì, kết nối các mối quan hệ - nhất là trong ứng xử gia đình, và đặc biệt là cả quan hệ với con cái.
Nhiều bố mẹ đứng trước sự việc xảy ra đã nhận sai lầm, "xin lỗi" rồi sửa sai đã trở thành tấm gương sáng cho con. Nhưng phần nhiều cha mẹ biết là sai lầm đấy, nhưng không dám thừa nhận, hoặc thừa nhận nhưng bảo thủ không sửa và không hề biết nói lời "xin lỗi, cảm ơn" gì cả. Cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con. Nếu cha mẹ đến lời "xin lỗi, cảm ơn" khi vô tình, hay cố ý làm tổn thương con cũng không thốt ra được thì họ không còn là tấm gương sáng cho con nữa.
Nhưng nếu lời xin lỗi của cha mẹ được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa gia đình, một mặt giúp các cha mẹ và con cái dễ cư xử với nhau hơn.
Lời "xin lỗi, cảm ơn" không chỉ đem niềm vui tới cho vợ/chồng, con cái, người thân, mà còn giúp trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ gia đình, và các thành viên cũng vì thế mà sống vị tha hơn. Để gia đình hạnh phúc, mỗi người hãy làm 1 việc tốt mỗi ngày, trong đó không thể thiếu lời "xin lỗi, cảm ơn".
Đừng tiết kiệm lời cảm ơn. Ảnh minh họa.
Biết "xin lỗi" nghĩa là ta đang dành thời nhìn lại chính ta đã làm gì có lỗi để diễn tả suy nghĩ và tình cảm của mình, cho thấy bản thân đã hiểu được lỗi lầm và cảm thông với sự giận hờn của người thân. Có lỗi thì đừng đổ lỗi, đừng cố gắng biện minh. Hãy tỏ ra có trách nhiệm từ việc chọn cách "xin lỗi" bằng viết, hay nói và "bật đèn xanh" cho đối phương biết bạn đã nhận thấy hành động có lỗi ảnh hưởng tới người khác như thế nào. "Xin lỗi" là một trong những cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để vợ/chồng, người thân không còn những vết thương trong quá khứ đeo bám và tác động tiêu cực đến hành vi ứng xử trong hiện tại.
Khi có chuyện hãy nói "xin lỗi", và "cảm ơn" ngay khi được tha thứ. Ảnh minh họa.
Từ đó đối phương cũng có thời gian suy nghĩ về lỗi lầm của bạn và họ sẽ thấy vui vì được bạn ghi nhận tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò của họ trong đời sống của bạn - bằng lời "cảm ơn". Đến lượt họ - như tấm gương phản chiếu - họ sẽ sống tốt hơn, yêu thương và bao dung hơn với bạn và chắc chắn tình cảm sẽ được củng cố đi lên.
Khi có chuyện đừng quên nói ngay 2 câu nói "xin lỗi" và hãy "cảm ơn" ngay khi được tha lỗi, bởi lẽ thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai cả. Không có gì phải xấu hổ khi nói lời "xin lỗi, cảm ơn", bởi đôi khi giọt nước mắt rơi vì gia đình chính là giọt nước mắt hạnh phúc, và niềm hạnh phúc ấy xứng đáng được trân trọng.
Vera Xuân Hường
Chuyên gia tư vấn tâm lý – hôn nhân – gia đình
Học viện Vera Hà An
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com