Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng từng chia sẻ rằng, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà cô thường nhận được từ các bậc cha mẹ chính là: Điều quan trọng nhất mà tôi nên dạy cho con mình là gì?
Nhà trị liệu cho biết, thực tế trong việc nuôi dạy con, có rất nhiều thứ mà phụ huynh cần phải chú ý, tuy nhiên điểm quan trọng và cần thiết nhất đối với một đứa trẻ cũng như sẽ góp phần vào sự thành công trong tương lai của chúng, đó chính là dạy chúng trở thành đứa trẻ có sức mạnh tinh thần.
Chính loại sức mạnh này là thứ khiến một người trở nên tốt đẹp hơn, có khả năng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh và có nguồn động lực to lớn để vươn đến thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Nói cách khác, một đứa trẻ có sức mạnh tinh thần tốt ngay từ nhỏ sẽ có tương lai rất xán lạn.
Một số trẻ bẩm sinh đã có được những điểm mạnh về tinh thần, nếu phụ huynh có thể sớm nhận biết và hướng dẫn con phát huy được nội lực của mình, đó sẽ là một điều vô cùng tuyệt vời. Tuy vậy, sức mạnh tinh thần tất nhiên là cần phải được luyện tập một cách kiên nhẫn, rèn luyện mỗi ngày và không ngừng củng cố, dù đứa trẻ vẫn chưa có đủ sức mạnh tinh thần thì vẫn có cách để phụ huynh hướng dẫn con trở nên mạnh mẽ hơn.
Một đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ thường có 3 đặc điểm sau. Hãy thử xem con bạn có mấy điều?
Nếu con bạn nói: "Bạn con được điểm cao hơn, con buồn lắm, con thấy mình học dở quá!" - Về cơ bản con bạn đang trao cho người khác quyền quyết định đối với cảm xúc của mình.
Ngược lại những đứa trẻ có khả năng trao quyền cho bản thân sẽ không phụ thuộc vào đánh giá hay hành động của người ngoài để chúng cảm thấy tốt đẹp, thoải mái. Đứa trẻ luôn chọn hướng đến những điều tích cực, chọn cách vui vẻ dù trong hoàn cảnh không được suôn sẻ, hoặc những người xung quanh đang bực tức và khó chịu.
Bố mẹ nên làm gì?
Hãy trao đổi với con để đưa ra những cụm từ mà trẻ có thể tự nói với chính mình. Sử dụng những từ ngữ giúp trẻ khẳng định rằng bản thân trẻ mới là người chịu trách nhiệm về cách suy nghĩ, cảm nhận và cư xử - bất kể người xung quanh ra sao.
Điều này sẽ giúp át đi những dư âm tiêu cực trong đầu trẻ, cho rằng trẻ không có tiềm năng thành công. Các câu khẩu hiệu hiệu quả nhất phải thật ngắn gọn và dễ nhớ, ví dụ như:
"Tất cả những gì con cần làm là cố gắng hết sức!".
"Tự tin lên!".
"Con nhất định làm được!".
Cho dù đó là việc chuyển trường hay bị cách ly trong nhà vì đại dịch, sự thay đổi bất chợt thật sự là điều khó khăn đối với tất cả mọi người. Tuy vậy, những đứa trẻ mạnh mẽ về tinh thần hiểu rằng sự thay đổi có thể giúp chúng phát triển thành một người thậm chí còn tốt hơn, mặc dù ban đầu chúng có thể không cảm thấy như vậy.
Bố mẹ nên làm gì?
Thực tế ngay cả người trưởng thành chúng ta cũng hiếm khi dành đủ thời gian để suy nghĩ và gọi tên những cảm xúc của bản thân, thay vào đó ta lại dồn nhiều năng lượng vật lộn với các loại cảm xúc - điều này thường dẫn đến những cảm xúc còn tiêu cực hơn.
Hãy giúp con gọi tên và nhìn nhận những cảm xúc chúng đang đối mặt để làm giảm bớt cảm giác khó chịu của các cảm xúc này. Đặc biệt khi con gặp phải một sự thay đổi lớn, phụ huynh cần có những buổi trò chuyện để cho con cơ hội tỏ bày, nói một cách chính xác về những gì bản thân trẻ đang cảm thấy. Quan trọng nhất là giúp cho trẻ tìm và xác định những từ phù hợp để mô tả cảm xúc của mình. Ví dụ: buồn, vui, lo lắng, thất vọng, háo hức, chán nản...
Nhiều đứa trẻ không dám nói về những sai lầm của chúng, khi làm sai thường có xu hướng che giấu vì sợ bị bố mẹ mắng mỏ và gặp rắc rối. Nhưng ở mặt tích cực, sai lầm chính là thứ giúp trẻ học hỏi và xây dựng nên tính cách.
Những đứa trẻ mạnh mẽ sẽ không ngần ngại thừa nhận những gì chúng làm sai và chấp nhận hậu quả trước mắt. Chúng cũng rất vui vẻ để bắt đầu sửa chữa sai lầm, có thất bại cũng không từ bỏ, sẵn sàng thử lại lần nữa. Tư duy biến sự thất bại thành bài học kinh nghiệm là thứ sẽ đứa trẻ tiến xa hơn trong học tập và cuộc sống.
Bố mẹ nên làm gì?
Đối mặt với những lỗi sai của con, phụ huynh nên giữ được bình tĩnh, không nên nhiếc móc nặng lời mà cần giúp cho trẻ tìm được gốc rễ của vấn đề và không tái phạm vào lần sau. Những hình phạt có thể khiến trẻ ghi nhớ nhưng đồng thời cũng sẽ làm đứa trẻ sợ hãi và không dám mở lòng với bố mẹ để nói về sai lầm của mình trong tương lai nữa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phát hiện ra rằng nếu trẻ được nghe nhiều hơn những tấm gương thành công từ thất bại, chúng sẽ cảm thấy tốt hơn, nỗ lực và tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Theo GiadinhNet
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com