Cả 2 vợ chồng chị N.T.V (Hà Nội) đều có chiều cao tương đối tốt, chị cao 1m64 và chồng chị cao 1m77, nên chị khá tự tin rằng con trai mình sẽ thừa hưởng được gen chiều cao của bố mẹ. Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện ra rằng chiều cao của con trai mình đã bị tụt lại so với các bạn cùng tuổi. Học lớp 5 nhưng cậu bé chủ yếu phát triển bề ngang, còn chiều cao thì không tiến triển bao nhiêu trong mấy năm liền.
Đem thắc mắc này đi tìm hiểu và hỏi han những người có chuyên môn, chị V. mới ngã ngửa về những điều có thể là lý do đang kìm hãm con trai mình phát triển chiều cao và theo các chuyên gia, đây cũng là sai lầm mà khá nhiều ông bố bà mẹ hiện nay đang để con mắc phải mà không hề hay biết.
Theo lý thuyết, đúng là hơn một nửa chiều cao của trẻ là do di truyền từ bố mẹ, nhưng điều này cũng liên quan nhiều đến các yếu tố khác. Nếu thói quen sinh hoạt của trẻ kém lành mạnh và không nắm bắt được thời điểm tốt để thúc đẩy chiều cao phát triển thì dù gen của trẻ có tốt đến đâu, trẻ cũng khó có thể cao được. Cụ thể, khi trẻ mắc phải 4 hành vi dưới đây, cha mẹ hãy chú ý nhắc nhở con ngay để “sửa chữa” kịp thời, tránh để trẻ bị thấp lùn oan uổng trong tương lai.
1. Ăn thực phẩm nhiều đường, thích uống nước ngọt có ga
Đây là sở thích của hầu hết trẻ nhỏ và không ít bố mẹ vẫn luôn đồng thuận với con mà không có sự ngăn cản hay hạn chế. Trong khi đó, những thực phẩm này ảnh hưởng rất xấu tới các cơ quan trong cơ thể trẻ và còn làm hệ xương của bé yếu đi.
Lý do là vì thức ăn ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, mà canxi thiếu thì xương bé khó có thể phát triển cứng cáp, chắc khỏe khiến bé kém phát triển chiều cao.
Vì thế tốt nhất bố mẹ nên tạo thói quen cho con tránh xa các loại đồ ăn đồ uống như vậy, thay vào đó hãy bổ sung thật nhiều hoa quả, rau xanh và nước trái cây tươi vào thực đơn cho trẻ.
2. Ăn quá nhiều, béo phì, dậy thì sớm
Nhiều phụ huynh không để ý hoặc không biết cách điều chỉnh thói quen ăn uống của con cái. Đôi khi họ nghĩ con ăn càng nhiều càng tốt, con béo tốt trắng trẻo một chút thì càng đáng yêu và dễ thương nên để bé thoải mái ăn theo ý thích, thậm chí còn ép trẻ ăn thêm.
Phụ huynh không biết trẻ ăn quá nhiều, ngoài việc gây béo phì còn có thể khiến nội tiết trong cơ thể trẻ gặp vấn đề dễ dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm. Cụ thể, trẻ gái bắt đầu có kinh trước 10 tuổi, trẻ trai bắt đầu phát dục trước 9 tuổi là dấu hiệu dậy thì sớm, khi đó cơ thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chiều cao sớm, rút ngắn thời kỳ tăng trưởng và đóng xương sớm hơn. Lúc đầu có thể các em cao lớn hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, nhưng không lâu sau sẽ ngừng phát triển, xương mác đóng lại, chiều cao tụt hậu so với người bình thường ở tuổi trưởng thành.
Khi phát hiện trẻ bị béo phì, trước hết cha mẹ nên kiểm tra xem có phải do rối loạn nội tiết hay không, nếu do chế độ ăn uống thì nên đến bệnh viện để được điều trị chuyên môn, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống kịp thời giúp trẻ giảm cân.
3. Dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử
Thời đại công nghệ, trẻ được tiếp xúc nhiều và đều rất thích các thiết bị điện tử. Trong khi đó cha mẹ lại bận rộn với cuộc sống nên không còn thời gian để chơi với con cái, chấp nhận cho con “kết bạn” với ti vi, máy tính, điện thoại. Lâu dần trẻ bị nghiện và lệ thuộc vào chúng, các em trở nên lười vận động, không chịu tập thể dục chính là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng về chiều cao của trẻ.
Để chiều cao phát triển thuận lợi, trẻ cần tập thể dục thường xuyên để kích thích các khớp hoạt động linh hoạt và tăng tốc độc sản xuất hormone tăng trưởng.
Bên cạnh đó, thay vì ngồi lì một chỗ với các thiết bị điện tử, trẻ em cần tham gia các hoạt động ngoài trời để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tia hồng ngoại trong ánh sáng mặt trời vào sáng sớm và cuối buổi chiều sẽ làm giãn mạch máu và thúc đẩy lưu thông máu, giúp tổng hợp vitamin D - vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiều cao và sức khỏe của trẻ em.
Cụ thể, Vitamin D sẽ điều chỉnh canxi và “vận chuyển” khoáng chất này đến sụn xương để giúp xương phát triển mạnh mẽ và săn chắc, từ đó tăng chiều cao cho trẻ.
4. Thức khuya, thiếu ngủ
Với trẻ nhỏ thì giấc ngủ đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ, nhất là ở giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Bởi 90% sự phát triển xương ở trẻ diễn ra trong lúc đang ngủ, đặc biệt từ 10-12 giờ đêm hàng ngày. Một em bé khi ngủ sâu và đủ giấc, tuyến yên sẽ được kích thích tiết ra hoóc môn tăng trưởng giúp tăng thêm chiều cao.
Vậy nhưng một số gia đình có thói quen sinh hoạt muộn nên các bé theo đó cũng đi ngủ rất muộn, hoặc các em mải chơi sau 22 giờ tối mới chịu đi ngủ. Việc này sẽ làm hormone tăng trưởng tiết ra ít hơn, dẫn đến bé phát triển chiều cao chậm. Do đó, muốn cho con có điều kiện phát triển chiều cao tốt nhất, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm hơn vào cùng một khung giờ hàng ngày.
Theo Vân Khánh - VietNamNet
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com