Các nguồn lực cứu nạn từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Malaysia... đang đổ về Myanmar sau trận động đất đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Nhóm 37 thành viên do chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cử tới Myanmar sáng 29/3 tới thành phố Yangon, đem theo máy dò động đất, thiết bị bay không người lái và nhiều vật tư khác.
Nhóm 16 tình nguyện viên Trung Quốc thuộc Đội cứu nạn Thanh thiên (BSR), sáng nay xuất phát từ thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam tới Myanmar, di chuyển trên đoàn 5 xe và mang theo bộ dụng cụ sơ cứu, máy phát điện và chiếu sáng, cùng máy móc xây dựng.
"Chúng tôi là đội đầu tiên, sẽ có đội thứ hai, thứ ba đi sau", Gao Hengyi, trưởng chi nhánh BSR tại Thụy Lệ, nói.
Đội cứu hộ cứu nạn do chính quyền tỉnh Vân Nam cử sang Myanmar tại sân bay quốc tế Yangoon sáng 29/3. Ảnh: Xinhua
Chính quyền Myanmar cho hay nhu cầu máu ở những khu vực bị động đất ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đang rất cao. Tính đến trưa 29/3, giới chức Myanmar ghi nhận hơn 1.000 người chết, 2.400 người bị thương.
Bộ tình trạng khẩn cấp Nga điều động hai máy bay chở 120 nhân viên cứu nạn và vật tư sang Myanmar.
Ấn Độ điều máy bay chở đội tìm kiếm cứu nạn và một đội y tế, đem theo chăn, bạt, dụng cụ vệ sinh, túi ngủ, đèn quang năng, gói thực phẩm và bộ nấu ăn tới Myanmar sáng nay, theo thông báo của Ngoại trưởng Ấn Độ.
Ngoại trưởng Malaysia cho biết một đoàn 50 người sẽ tới Myanmar vào 30/3 để hỗ trợ xác định danh tính nạn nhân và cung cấp viện trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Liên Hợp Quốc đã phân bổ 5 triệu USD cho công tác cứu nạn ban đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/3 thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ Myanmar nhưng không nói rõ nội dung cụ thể.
Chuyến bay chở lô hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cùng đội cứu hộ cứu nạn và y tế Ấn Độ trước giờ khởi hành sang Myanmar ngày 29/3. Ảnh: X/S Jaishankar
Hình ảnh về đường sá cong vênh nứt toác, cầu sập và đập vỡ, gây lo ngại về công tác tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi e rằng phải mất nhiều tuần nữa mới xác định được toàn bộ mức độ tàn phá mà trận động đất này gây ra", Mohammed Riyas, giám đốc Ủy ban Cứu nạn Quốc tế tại Myanmar, nói.
Truyền thông Myanmar đưa tin 5 thành phố và thị trấn ghi nhận nhà cửa đổ sập, hai cây cầu sập, trong đó một cầu là tuyến đường huyết mạch nối Mandalay và Yangon.
Chính quyền Myanmar kiểm tra thiệt hại đường sá ở Naypyitaw ngày 28/3. Ảnh: AP
Christian Aid, tổ chức từ thiện của 41 nhà thờ Công giáo tại Anh hoạt động vì phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai khắp thế giới, cho biết các đối tác và đồng nghiệp tại thực địa mô tả một con đập ở Mandalay bị vỡ khiến nước dâng cao tại các vùng trũng thấp.
"Tại một đất nước nơi nhiều người đang sống chật vật, trận thiên tai này sẽ đẩy thêm nhiều người vào cảnh tuyệt vọng", Julie Mehigan, giám sát viên của Christian Aid tại châu Á, Trung Đông và châu Âu, nói.
Trận động đất 7,7 độ xảy ra trưa 28/3, với tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km và cách thành phố Sagaing tại miền trung Myanmar khoảng 16 km về phía tây bắc. Động đất tàn phá nhiều khu vực ở Myanmar và Thái Lan, chấn động cũng có thể cảm nhận ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo Liên Hợp Quốc, hơn ba triệu người Myanmar đã phải di dời nhà cửa do nội chiến và gần 20 triệu người đang cần giúp đỡ.
Vị trí tâm chấn động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu
Hồng Hạnh (Theo AP/Xinhua)
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com