Có 2 đứa trẻ đang làm bài tập, một người mẹ nói: "Viết cho đẹp vào, đừng có mà cẩu thả", nhưng bọn trẻ vẫn viết xấu. Trong khi đó, người mẹ khác thì nói: "Mẹ thấy con rất cố gắng, chữ này đẹp hơn hôm trước rồi đó con", kết quả đứa trẻ viết bài rất nhanh và đẹp.
Những lời nói tích cực của cha mẹ luôn có tác động rất lớn đối với trẻ. Nó sẽ mang tới cho trẻ lòng can đảm và sức mạnh để cố gắng nhiều hơn nữa.
Giáo sư Lucie Cluver, giảng viên Công tác xã hội với Trẻ em và Gia đình tại Đại học Oxford cho rằng, nếu bạn nói với con bạn chính xác những gì bạn muốn chúng làm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bảo chúng không được làm gì.
"Khi bạn yêu cầu một đứa trẻ không được làm bừa hoặc phải ngoan, chúng không nhất thiết phải hiểu những gì chúng được yêu cầu phải làm. Thay vào đó, cha mẹ hãy đưa ra những hướng dẫn rõ ràng như: "Con hãy nhặt tất cả đồ chơi của con và cho vào hộp".
Nhưng điều quan trọng là phải đặt ra những kỳ vọng thực tế. Cụ thể, cha mẹ yêu cầu con giữ im lặng trong cả ngày có thể không dễ quản lý bằng yêu cầu 10 phút im lặng trong khi bạn gọi điện thoại" - Giáo sư Cluver phân tích.
Những đứa trẻ mới tập đi luôn dễ ngã. Có phải khi nhìn thấy con loạng choạng, phản ứng của cha mẹ là lo lắng, bất an và ngay lập tức lao đến đỡ con.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không làm như vậy. Thấy con nằm trong phạm vi an toàn, họ không hề lo sợ, sẵn sàng để con ngã. Bởi với họ, trẻ không thể biết đi nếu không ngã vài lần. Trẻ cần có vấp ngã, có thách thức đầu đời, cha mẹ đừng quá bao bọc con.
Lại có nhiều cha mẹ nuông chiều con hết mực, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, dù điều đó là vô lý. Khi con gặp khó khăn hay gây ra lỗi lầm, họ sẵn sàng thay con giải quyết càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đứa trẻ sống trong môi trường như vậy sẽ thiếu đi khả năng chịu đựng, kiểm soát cảm xúc.
Trên đời không có điều gì là miễn phí, đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, chưa nếm trải thất vọng sẽ khó có được thành quả. Ngược lại, những đứa trẻ từng trải qua thất bại sẽ biết rằng, chỉ cần chăm chỉ và nỗ lực, thành công ắt tới.
Cho dù là việc nhỏ, cha mẹ nên để trẻ tự thực hiện. Điều này mang đến cho trẻ cảm giác chinh phục được mục tiêu, giúp trẻ dũng cảm đối mặt với những nhiệm vụ hóc búa hơn. Đặc biệt, dù thử thách có gian nan, có thất bại, trẻ cũng được rèn luyện tinh thần can đảm.
Sự trưởng thành của trẻ không thể tách rời với việc khám phá thế giới. Mỗi vấn đề khó khăn trẻ mắc phải là cơ hội để chúng vượt qua và phát triển tốt hơn.
Cha mẹ khôn ngoan sẽ không ra lệnh hay cấm cản con mình, thay vào đó họ sẽ là người quan sát, đồng hành để con bước ra thế giới.
Giáo sư Cluver nhận định, khi con bạn bồn chồn, cáu kỉnh hoặc khó chịu, đánh lạc hướng chúng bằng một hoạt động tích cực hơn có thể là một chiến lược hữu ích.
Cha mẹ không phải đầu bếp cá nhân, tài xế riêng hay là một chiếc máy ATM vô đáy. Do vậy, hãy dạy trẻ sự khác biệt giữa "muốn" và "cần". Là cha mẹ, bạn là người quyết định hướng đi của trẻ. Trẻ cần có ranh giới, tiêu chuẩn và sự dẫn dắt của người lớn. Đừng ngại nói "không" trước những yêu cầu hay đòi hỏi vô lý của trẻ.
Cha mẹ nên cố gắng thường xuyên trò chuyện để giải thích cho trẻ hiểu những gì trẻ có thể và không thể. Hãy tùy tình huống mà tỏ ra cương quyết hay mềm mỏng với trẻ. Ban đầu, cha mẹ có thể bối rối khi trẻ ăn vạ, khóc lóc hay giận dữ nhưng nhất định phải giữ vững lập trường. Chỉ sau một thời gian, trẻ nhất định sẽ biết chừng mực và không còn đòi hỏi những điều vô lý.
Có những đứa trẻ làm gì cũng chậm chạp hơn người khác, điều này khiến cho cha mẹ phiền lòng. Thế nhưng, đó không phải là đứa trẻ ngốc nghếch, chỉ cần chúng không bỏ cuộc, sau một thời gian tích lũy sức mạnh, đến một thời điểm thích hợp chúng sẽ bùng nổ.
Những đứa trẻ chậm chạp cần được cha mẹ thông cảm và chấp nhận, vì chúng đã cố gắng đi một đoạn đường dài hơn những người khác.
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com