Mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời
Lễ cúng Giao thừa theo thứ tự được thực hiện ngoài trời trước cửa nhà vào 24 giờ (giờ chính Tý) ngày 30 tháng Chạp và sau đó là trước bàn thờ gia tiên.Theo quan niệm văn hoá truyền thống, mỗi năm Thiên đình lại thay thế toàn bộ quan quân trông nom công việc hạ giới vào thời khắc hết năm cũ, bước sang năm mới, đứng đầu là quan Hành khiển.
Phút giao thừa là thời điểm mà người ta tin rằng các vị hành binh, hành khiển, phán quan của năm mới được Ngọc hoàng phái xuống nhận nhiệm vụ theo dõi, bảo vệ, trông nom hạ giới.
Với người dân Việt Nam, Giao thừa cũng là giờ phút thiêng liêng đất trời chuyển sang năm mới. Vì vậy, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa được đa số các gia đình Việt Nam chuẩn bị rất công phu.
*Cách chuẩn bị mâm cúng Giao Thừa ngoài trời
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có một con gà trống hoa luộc nguyên con có mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng; một đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh trái, ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, muối, gạo, nhang, đèn.
Với phật tử có thể cúng mâm lễ chay, không có gà trống.
Bên cạnh đó, mâm cỗ cũng gồm các vật phẩm quần áo, mũ, ủng quan thần linh cùng với vàng, tiền. Năm Canh Tý 2020 thuộc hành Kim nên quần áo , mũ, ủng là mầu Vàng. Ngoài ra, các gia đình thường có lá sớ để hóa cùng với vàng tiền và đồ mã.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, mâm cỗ được bày lên bàn trang trọng ở trước cửa nhà. Vào thời khắc giao thừa, chủ gia đình thắp đèn, nến, rót rượu và thành kính khấn vái.
Khi thắp hương, gia chủ cắm hương vào bát gạo và cắm thẳng, không được cắm nghiêng.
Theo quan niệm văn hoá truyền thống, có 12 vị quan Hành khiển trông nom công việc hạ giới, mỗi năm một vị, hết 12 năm lại quay trở lại từ đầu .
Giao thừa năm nay, chúng ta nghinh đón vị quan hành khiển năm Canh Tý là ngài Chu vương Hành khiển, Thiên ôn hành binh chi thần và ngài Lý tào Phán quan.
Sau khi thắp hương, chờ hương cháy còn lại 1/3, gia chủ sẽ hoá đồ mã ngay, rồi vẩy rượu vào. Gạo muối có thể rắc ra xung quanh nhà.
*Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà
Mâm cỗ cúng Giao thừa trong nhà
Sau khi thực hiện lễ cúng giao thừa ngoài trời nhằm đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ, gia chủ mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà.Cúng giao thừa trong nhà chính là lễ cúng tổ tiên trước ban thờ nhằm cầu xin những điều tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Lễ vật cúng giao thừa trong nhà gồm: Mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt tết, rượu, trầu cau.
Mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên tuỳ theo khả năng của mỗi gia chủ có thể gồm: Bánh chưng, giò/chả, thịt gà, canh măng, canh bóng, nem rán, nộm, đĩa xào, cơm trắng…
Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên, đốt đèn nến, thắp hương, gia chủ thành kính đọc văn khấn.
*Mâm cỗ cúng giao thừa trong bếp
Đu đủ chín sau khi cúng ở bếp có thể bổ ra ăn luôn
Ngoài 2 mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời và trên bàn thờ trong nhà, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ cúng ở bếp để cung thỉnh thần Bếp phù hộ cho gia chủ no ấm trong năm mới.Mâm cỗ này gồm các loại trái cây như: Na, táo, đu đủ chín, thanh long, sung, mướp đắng (hoặc 5 quả ớt), gạo, muối.
Theo quan niệm dân gian, qua giao thừa, muối, ớt sẽ được ném ra đường với mong muốn mọi điều đen đủi, xui xẻo sẽ được tiêu tan.
Còn đu đủ chín bổ ra ăn hết, quả sung treo chạn bát, gạo mang nấu cơm cúng mùng 1 với mong ước một năm sung túc no đủ.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cũng lưu ý rằng, việc chuẩn bị mâm cao cỗ đầy cúng Giao thừa là tốt nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm thành kính của gia chủ trước các vị quan thần và tổ tiên bởi từ xưa đến nay vẫn có câu “lễ bạc tâm thành”./.
Anh Nguyễn (tổng hợp)