Hỗ trợ trực tuyến

Con nghỉ học phòng dịch, bác sĩ chỉ chiêu không tăng cân

11/05/2021 14:15:35 Chia sẻ bài viết

Sau hai đợt nghỉ học tránh dịch năm trước, con chị Hoa từ 26 kg đã tăng vọt lên 33kg. Cô bé trở nên chậm chạp suốt ngày nghĩ đến ăn mà không thích vận động như trước

Sau mỗi đợt nghỉ học ở nhà phòng dịch, con gái chị Hoa (7 tuổi) ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, HN) lại tăng cân phi mã. Lần đầu tiên, cô con gái tăng 5kg, lần sau tiếp tục tăng 2kg. Sau hai đợt nghỉ trong một năm học cô bé từ 26 kg đã tăng vọt lên 33kg. Cô bé trở nên chậm chạp suốt ngày nghĩ đến ăn mà không thích vận động như hồi bé.

"Đợt này bố mẹ vẫn phải đi làm, dù đã phải điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng khả năng con vẫn tiếp tục tăng cân mất", chị Hoa lo lắng.

Con nghỉ học phòng dịch, bác sĩ chỉ chiêu không tăng cân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chia sẻ với phóng viên Infonet, bác sỹ Nguyễn Hoài Thu cho biết, khi nghỉ học ở nhà trẻ sẽ bị đảo lộn các thói quen sinh hoạt thường ngày. Đó chính là những nguyên nhân khiến trể dễ bị tăng cân trong thời gian này.

Theo đó, những thói quen xấu tác động đến cân nặng gồm: Ngủ nhiều hơn, dậy muộn hơn, thức khuya hơn; trẻ hạn chế di chuyển, hạn chế thể dục thể thao (sợ tiếp xúc đông người)…

Thêm vào đó, bố mẹ lại quan niệm cần ăn uống bồi dưỡng để tăng sức đề kháng hoặc ở nhà nhiều trẻ thường ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe như mì gói, đồ hộp ăn nhiều bim bim, bánh kẹo, thức ăn nhanh và uống nước ngọt (do mua dự trữ quá nhiều).

"Vậy nên tăng cân là điều dễ nhận thấy ở trẻ sau những đợt nghỉ học ở nhà", BS Nguyễn Hoài Thu phân tích.

Để trẻ ở nhà vừa an toàn vừa không béo phì, BS Nguyễn Hoài Thu cho rằng bố mẹ nên cho con ăn chế độ ăn đa dạng đủ chất, tăng cường rau xanh và trái cây trong bữa ăn; hạn chế các đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt.

Đặc biệt các bậc phụ huynh không dự trữ quá nhiều đồ ăn thực phẩm. Việc có sẵn thực phẩm trong nhà cũng khiến trẻ "vui mồm" ăn nhiều hơn.

Ngoài ra, BS Hoài Thu cũng khuyến cáo bố mẹ nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ. Cha mẹ có thể cùng con lên kế hoạch lịch hoạt động cụ thể từng ngày và kiểm tra việc thực hiện vào cuối ngày để hình thành thói quen.

"Vận động thường xuyên nâng cao sức khỏe phòng bệnh cho trẻ: không nên cho con ngồi một chỗ trên 2 tiếng/ ngày, khuyến khích trẻ tập thể thao thường xuyên 2-3 lần/ tuần có thể tập thể thao tại nhà như các môn thể dục, aerobic, nhảy dây…

Hoặc bố mẹ cũng cho trẻ chơi những đồ chơi giúp phát triển kỹ năng sáng tạo, khuyến khích trẻ tham gia công việc nhà: rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cùng gia đình", BS Hoài Thu khuyến cáo.

Đối với những trẻ đã béo phì thì giai đoạn này bố mẹ càng cần phải chú ý nhiều hơn. Theo đó, các bậc phụ huynh cần phải thay đổi khẩu phần ăn của trẻ. Việc thay đổi này cần thực hiện một cách từ từ và hợp lý vì nếu thay đổi chế độ dinh dưỡng quá đột ngột sẽ gây hại cho quá trình phát triển thể chất bình thường của trẻ.

"Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, thay vào đó có thể hấp, luộc, cho trẻ ăn ít gia vị và những loại đồ ăn vừa chứa chất béo vừa nhiều đường như bánh ngọt, bánh nướng, khoai tây chiên, xúc xích, kem...

Để đảm bảo trẻ vẫn có đủ chất thì bạn có thể thay thế các loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng nhưng ít đường và chất béo hơn như khoai lang, ngô. Có thể cho trẻ ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây ít ngọt chứa nhiều chất xơ như củ đậu, dưa chuột, bưởi", BS Hoài Thu nhấn mạnh.

Theo bác sĩ dinh dưỡng này, sữa rất cần thiết vì sữa cung cấp các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như canxi, các vitamin và khoáng chất khác rất tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ. Với trẻ béo phì, bố mẹ cũng không nên cấm cấm con uống thay vào đó hạn chế các loại sữa béo và sữa có đường.

"Hãy tăng cường các bữa ăn chính cùng gia đình, hạn chế các bữa ăn vặt để trẻ quen dần với điều này; Uống đủ nước; Hạn chế không cho trẻ uống nước ngọt có gas, và không ăn tối muộn trước khi đi ngủ; hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm đóng gói sẵn; gia đình không nên dự trữ đồ ăn vặt trong nhà", BS Hoài Thu nhấn mạnh.

Cũng giống như những trẻ bình thường khác, với trẻ béo phì BS Hoài Thu khuyến cáo cần phải khuyến khích nhiều hơn để trẻ tham gia các hoạt động thể thao.

"Hãy lên kế hoạch tập thể dục cho trẻ béo phì giảm cân ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu. Có thể cho trẻ tập các bài tập vào sáng và chiều như leo cầu thang, nhảy dây, aerobic. Cho trẻ tập các bài tập với thời lượng hợp lý, không nên ép trẻ tập quá nhiều sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không muốn luyện tập cho những lần kế tiếp", BS Hoài Thu nhấn mạnh.

Cuối cùng, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà và hạn chế cho trẻ ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử đồng thời cho trẻ ngủ sớm trước 10h tối.

Theo Infonet

Chia sẻ bài viết
Nhà sản xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN HERB VIỆT NAM

Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464

Email: hevina2017@gmail.com