Cách đây không lâu, có một câu chuyện giáo dục từng gây xôn xao trên các diễn đàn mạng tại Trung Quốc.
Chuyện kể về một gia đình cho con đi ra ngoài ăn cơm. Trên đường đi, họ gặp một người hành khất bên đường.
Khi bắt gặp hình ảnh ấy, nhiều bậc cha mẹ sẽ theo thói quen mà nhắc nhở con trẻ:
"Con phải cố gắng học giỏi, nếu không sau này cũng sẽ giống như họ, cả ngày chẳng có công ăn việc làm, lấy việc xin ăn để mưu sinh qua ngày".
Nhưng gia đình trong câu chuyện của chúng ta thì không giống vậy. Họ nhẹ nhàng động viên con cái một cách chân thành:
"Con hãy cố gắng học tập thật tốt thì sau này mới có thể giúp những người ấy có công việc, giúp họ thoát được cảnh sống khổ sở này".
Thực tế, gia đình có nề nếp gia phong thế nào, giáo dục con cái ra sao rất quan trọng với tương lai của trẻ. Bởi dáng dấp của truyền thống gia đình sẽ tạo thành dáng hình nhân cách cho các em.
Chính vì vậy, rèn luyện cho trẻ nhỏ nề nếp gia phong tốt đẹp cũng đồng nghĩa với việc tặng cho các em món quà quý báu nhất, giúp con cháu ngày sau đời đời hưởng lợi.
Nề nếp gia phong tốt đẹp chính là món quà tinh tế và ý nghĩa nhất, giúp hậu duệ đời đời hưởng phúc. (Tranh minh họa).
Hiền lành chính là gia phong tốt nhất
Cổ nhân có câu: "Trung hậu truyền gia cửu, khiêm thận kế thế trường", nghĩa là gia đình trung hậu thì có thể truyền thừa nhiều đời, con người khiêm tốn, thận trọng thì sẽ được phúc thọ dài lâu.
Phàm là những gia đình hiền lành, nhân đức, phả hệ thường sẽ được truyền thừa từ 10 đời trở lên. Gia tộc Phạm Trọng Yên là minh chứng cho điều này.
Sinh thời, Phạm Trọng Yêm là trọng thần nhà Bắc Tống. Khi còn đương chức, ông từng nhiều lần cứu tế Nho sinh, giảm bớt lao dịch, hành việc trượng nghĩa, ban ân trạch khắp thiên hạ.
Năm xưa, có người tìm được một mảnh đất phong thủy tốt hiếm có, liền tặng ông để xây phủ đệ. Nào ngờ Phạm Trọng Yêm cự tuyệt, dùng mảnh đất ấy để xây dựng thư viện với hy vọng ai ai cũng có thể được hưởng may mắn nhờ phong thủy tuyệt hảo nơi đây..
Khi Phạm Trọng Yêm còn làm quan, đất đai khắp nơi trên lãnh thổ Bắc Tống hầu hết đều bị địa chủ thâu tóm. Rất nhiều gia tộc giàu có sở hữu cả ngàn mảnh đất, trong khi bách tính bình dân lại chẳng có lấy mảnh ruộng để cày, buộc phải sống tha hương vất vưởng.
Trước tình cảnh ấy, vị quan họ Phạm đã thành lập Nghĩa Điền, đem mấy ngàn mẫu ruộng xung công ích để cho trăm họ thoát cảnh cơ hàn khổ cực.
Do gặp buổi chiến loạn, Nghĩa Điền từng bị phá. May mắn có con cháu đời sau của gia tộc họ Phạm nhiều lần phục dựng.
Hậu duệ của Phạm Trọng Yêm đã kế thừa thiện tâm từ tổ tông, lấy đại nghĩa làm trọng, hành việc thiện suốt mấy trăm năm.
Việc làm nhân đức của Phạm Trọng Yêm năm xưa giống như gieo vào phả hệ một hạt giống mang tên "hiền lành". Đời sau của ông không ngừng chăm bón, tưới nước, biến hạt giống ấy trở thành cây đại thụ để che chở cho con cháu đời sau.
Cũng nhờ vậy mà từ thời Bắc Tống tới cuối đời nhà Thanh, gia tộc của Phạm Trọng Yêm vẫn luôn hưng thịnh trong gần 8 thế kỷ.
Hiền lành, nhân đức chính là chìa khóa giúp gia tộc của Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Hiền lành được coi là gia phong tốt nhất của mọi gia đình, gia tộc. Lấy hai chữ ấy làm đầu để giáo dục con cái, ắt sẽ nuôi dạy được những người có nội tâm cao quý và nhân phẩm tốt đẹp.
Một đứa trẻ sinh trưởng và lớn lên trong gia đình khoan hậu, thiện lương cũng sẽ mang trái tim hiền lành, nhân duyên tốt, được người người yêu quý.
Điều ấy cũng giống như lời dạy của người xưa: Người sống thiện lương, phúc dù chưa tới nhưng họa cũng tránh xa.
Đối với con trẻ của chúng ta mà nói, hiền lành đích thị là lá bùa hộ mệnh linh nghiệm nhất trong cuộc đời các em.
Cần cù là gốc rễ để lập thân
Tiêu Hà vốn là một đại công thần khai quốc của nhà Hán. Sau khi lập nên Hán triều, Cao Tổ Lưu Bang từng có ý ban thưởng cho ông vô số ruộng tốt.
Thế nhưng Tiêu Hà một mực từ chối, chỉ chọn cho mình vài mảnh đất cằn cỗi. Hoàng đế lấy làm không hiểu, vị quan họ Tiêu liền giải thích:
"Đất cằn cỗi thì con cháu ắt phải cần cù trồng trọt. Ngược lại, ruộng vốn phì nhiêu sẽ khiến đời sau ham ăn, lười làm. Nếu cứ như vậy, Tiêu gia sớm muộn cũng sẽ sa sút".
Vài thế kỷ sau, lời nói của Tiêu Hoa quả nhiên trở thành sự thật. 500 năm kể từ khi Hán triều thành lập, phần lớn các đại gia tộc năm xưa đều đã xuống dốc, duy chỉ có nhà họ Tiêu vẫn hưng thịnh.
Người có tầm nhìn xa trông rộng như Tiêu Hà đã cố ý chọn những mảnh đất cằn cỗi để răn dạy con cháu đời sau lấy cần cù làm gốc mới có thể đời đời hưng vượng. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Thực tế cho thấy, ngày nay có không ít gia đình vẫn coi con cái như những bông hoa trong lồng kính mà yêu thương, cưng chiều vô độ.
Họ không biết rằng nếu một đứa trẻ ngày ngày được cơm bưng nước rót thì chẳng mấy chốc sẽ trở thành người ham hư vinh, lười biếng. Đó đích thị là con đường ngắn nhất hủy hoại cuộc đời và tiền đồ của các em.
Ngày nay, nước Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác đều đã áp dụng kiểu giáo dục đề cao tính thực hành. Phương pháp này sẽ cho trẻ em đi làm thuê để có cơ hội tự mình rèn luyện.
Trong khi đó, người châu Á nói chung vẫn thiên vị việc học lý thuyết hơn thực hành. Bằng chứng là có không ít bậc cha mẹ sẵn sàng đảm đương hết tất cả mọi việc với một tôn chỉ duy nhất: "Chỉ cần con học giỏi!". Ít ai biết rằng, chỉ có tinh thần cần cù lao động, chấp nhận gian khổ mới có thể đào tạo nên một đứa trẻ độc lập.
Chân lý ấy cũng giống như đạo dạy con của Tăng Quốc Phiên truyền lại cho gia tộc của mình năm xưa:
"Anh em, con cháu trong gia đình, phải lấy hai chữ ‘cần cù’ làm gia đạo. Cả nhà cần cù thì dù vào thời loạn cũng có thể hưng thịnh. Tự mình cần cù thì dẫu cho có là kẻ ngốc cũng mang phong thái của bậc hiền trí".
Nên nhớ rằng, đem đồ tốt trực tiếp trao vào tay con trẻ sẽ trở thành cách làm tổn thương, hủy hoại các em một cách nhanh chóng.
Để cho con em của chúng ta "khổ trước sướng sau", dẫn dắt các em rèn luyện được đức tính cần cù, cố gắng mới là phương pháp giáo dục đúng đắn và tân tiến nhất.
Đọc sách là thói quen không thể bỏ
Bạt mạng kiếm tiền không quan trọng bằng dạy dỗ con trẻ. Rảnh rỗi ngồi không chẳng bằng bỏ thời gian ra đọc một cuốn sách.
Đối với những người bình thường mà nói, đọc sách là ngưỡng cửa dễ chạm tới nhất để nhìn thấy những thứ cao quý.
Đánh giá từ góc độ gia đình, đọc sách là thói quen tốt nhất và cần thiết nhất đối với con trẻ.
Khi dành thời gian đọc một cuốn sách ý nghĩa, chúng ta có thể được mở rộng tầm mắt, lắng nghe những cảm ngộ về nhân sinh của các bậc trí giả. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Vào thời nhà Thanh khi xưa, ở thành Củng Nghĩa (Hà Nam, Trung Quốc) có gia tộc Khang thị từng nổi danh khắp thiên hạ vì được Từ Hi Thái hậu phong ban.
Vào những năm cường thịnh nhất, nhắc về gia tộc này, người ta thường dùng câu ví von: "Đầu gối Lạc Dương, Tây An, chân đạp Lâm Nghi, Tế Nam, ngựa chạy ngàn dặm không ăn cỏ nhà khác, người đi ngàn dặm vẫn trong đất họ Khang".
Điều đó đủ để thấy gia tộc Khang thị vô cùng phồn thịnh và giàu có tới mức nào.
Khang gia có lịch sử lâu đời, cả dòng họ 12 đời đều là quan lại, phú thương. Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, nhà họ Khang phất lên nhanh chóng và hưng thịnh dài lâu không dựa vào phong thủy, mà chỉ nhờ vào một thói quen duy nhất – chăm chỉ đọc sách.
Khang phủ từng lưu lại một câu đối của tổ tông, đại ý là: "Chí muốn sáng trước tiên phải biết dạy con đọc sách – Tâm muốn mãn sau nhớ cần kiệm lo việc nhà".
Mỗi đời của Khang gia đều coi đọc sách làm nguyên tắc trọng yếu. Con cháu của họ chẳng có ai ngồi nhà hưởng lộc mà đều chuyên cần học tập, chăm chỉ làm lụng.
Ngày nay, trong tư gia của nhà họ Khang vẫn còn nhiều căn phòng đọc với những giá sách chất đầy tới tận trần nhà.
Nhiều năm qua đi, dòng họ ấy vẫn coi đọc sách làm nguyên tắc giáo dục vỡ lòng, lại không tiếc công sức, tiền tài mời danh sư tới chỉ dạy con cháu, nhờ vậy mà muôn đời hưng thịnh.
Khang thị ruộng tốt vạn miếng, vàng bạc đầy phòng, nhưng chưa bao giờ coi nhẹ việc dạy con cái đọc sách. (Tranh minh họa).
Người xưa có câu: "Bụng có thi thư khí tựa hoa". Người chăm chỉ đọc sách, khí chất cũng sẽ thay đổi.
Thói quen đọc sách có thể giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, tăng thêm trí tuệ. Những điều tuyệt mỹ trong các cuốn sách ấy sẽ trở thành động lực cho tâm hồn, khiến con em ta thành người khoáng đạt, biết nhìn xa trông rộng, có tâm hồn phong phú.
Đọc sách là thói quen tốt mà gia đình nào cũng nên rèn luyện cho con trẻ. Điều ấy cũng giống như lời ví von của danh sĩ Diêu Văn Điều thời nhà Thanh: "Chuyện tốt đệ nhất thiên hạ không gì khác ngoài đọc sách".
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com