Vợ chồng cãi nhau xưa nay là chuyện bình thường trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những xung đột này đôi khi lại trở thành yếu tố then chốt cho hạnh phúc hôn nhân.
Gần đây, các nhà khoa học đến từ Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu những cặp đôi đã kết hôn để xác định xem việc hay tranh cãi ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của họ.
Theo đó, kết quả cho thấy 44% người trả lời cho biết tranh cãi đóng góp một phần quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân. Họ nói rằng tranh luận nhiều hơn một lần một tuần sẽ giúp cho sự giao tiếp cởi mở hơn giữa hai người.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác kéo dài 14 năm cũng đã đưa ra kết luận các cặp đôi tranh cãi thường xuyên (nhưng theo cách thức hòa bình) cũng không thể tách rời nhau.
Được biết, nghiên cứu này được thực hiện đối với 79 cặp vợ chồng trên toàn vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Cũng theo FamilyShare, điểm chung giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc là thường xuyên dành thời gian để tranh luận về những chủ đề phổ biến trong cuộc sống, nói chuyện cởi mở và góp ý chân thành.
Giáo sư Howard Markman - Chủ tịch Liên hiệp trung tâm nghiên cứu hôn nhân và gia đình thuộc đại học Denver, Mỹ đã bỏ ra 30 năm để tập trung nghiên cứu hiện tượng tranh cãi giữa các cặp vợ chồng trong xã hội hiện đại. Theo kết quả ông thu thập được, khi cãi nhau, người trong cuộc khó lòng kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ trút bỏ cơn giận bằng những câu chữ, nói bất kỳ điều gì chôn giấu đã lâu trong lòng. Đây là một phương tiện hữu ích để các đôi vợ chồng hiểu thêm về nhau, cũng như điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình.
Bên cạnh đó, việc tranh cãi cùng những cơn thịnh nộ cũng khiến đàn ông và phụ nữ dễ bộc lộ những cảm xúc, vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của họ. Chỉ khi hai vợ chồng cùng nhau đối diện thực tế không mấy tốt đẹp, họ mới có thể đứng chung trên một con đường, có chung một lý tưởng để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân.
Ngoài ra, theo Giáo sư William Doherty đến từ khoa xã hội học gia đình, thuộc Đại học Minnesota, những tranh cãi trong gia đình cũng có tác động tích cực đến việc giáo dục con cái. "Nếu như trẻ con không bao giờ nhìn thấy bố mẹ tranh cãi, chúng sẽ nghĩ rằng cuộc hôn nhân đó thật giả tạo.
Nhưng nếu tranh cãi ở mức độ gay gắt, miệt thị, chửi bới và thậm chí là đánh nhau, điều này cũng tác động xấu đến tâm lý của trẻ. Những cuộc tranh luận vui vẻ trên cơ sở hòa bình và thiện chí sẽ giúp trẻ cảm nhận được hạnh phúc và phát triển tư duy".
Do vậy, nếu bạn muốn có một mối quan hệ lành mạnh, bạn không nên né tránh các cuộc tranh luận. Nhưng cũng không phải vì thế mà bạn chạy về nhà gây sự với "nửa kia" của mình ngay lập tức sau khi đọc xong bài viết này.
Hãy nhớ lấy một điều quan trọng rằng, tranh luận không phải là một cuộc chiến để đối đầu, mà đơn giản là một cách để hai người vốn ở thế đối đầu có thể cùng nhìn về một hướng, và đứng chung trên một chiến tuyến. Bạn sẽ cần phải thực tập kỹ năng lắng nghe để có thể thấu hiểu hơn đối tác của mình.
Các cặp vợ chồng, xin hãy nhớ, cãi nhau trong hòa bình và trên tinh thần tiếp thu!
Theo H.H/Thế Giới Trẻ