Nói đến hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ phần lớn chúng ta đều nghĩ việc bé bị cha mẹ đánh đập, lăng mạ, ức hiếp nhiều lần làm tổn thương đến thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có một kiểu “bạo lực gia đình” mới cũng nguy hiểm không kém, thậm chí còn đáng sợ hơn đối với trẻ, đó là sự thờ ơ và lạnh nhạt. Nó không làm tổn thương trẻ tức thì như đánh mắng nhưng nó đã gieo vào lòng trẻ một “hạt giống” cô đơn, gây tổn hại rất lớn đến tâm hồn đứa trẻ mà hầu hết phụ huynh chưa nhận thức được. Câu chuyện của cậu bé Tùng Lâm dưới đây là một ví dụ điển hình.
“Tùng Lâm năm nay 5 tuổi, đúng ra cậu phải là một đứa trẻ vô tư và hoạt bát nhưng cậu lại không có đặc điểm này. Cha mẹ của Tùng Lâm hàng ngày đều rất bận rộn với công việc, chị gái em năm nay 13 tuổi cũng đi học cả ngày, chỉ có buổi tối họ mới cùng nhau ở nhà. Thế nhưng sau bữa tối hàng ngày, ai cũng vẫn có việc riêng của họ. Tùng Lâm muốn chơi với bố nhưng bố luôn nói: “Con ra chơi với mẹ đi, bố chưa xong việc”. Khi Tùng Lâm tìm mẹ, hầu như lúc nào mẹ em cũng đang nhìn vào điện thoại di động hoặc xem Tivi, em nói gì mẹ cũng chỉ “ừm”, “được”, “con chơi đi”… Chị gái Tùng Lâm thì luôn phải làm bài tập về nhà nên cũng chẳng có thời gian chơi với em… Cứ như vậy, Tùng Lâm dần dần trở nên lạnh nhạt và buồn tẻ, ở trường mẫu giáo em cũng rất ít khi chơi với các bạn...”
Ngày nay, những cô bé, cậu bé giống Tùng Lâm trong các gia đình ngày càng nhiều. Khi một đứa trẻ muốn gần gũi cha mẹ nhưng cha mẹ luôn bận rộn với nhiều việc khác nhau, một số khác lại chỉ thích “làm bạn” với smart phone mà có thái độ thờ ơ với con cái! Sự thờ ơ đó không gây tổn thương mạnh mẽ như những trận đòn roi hay những câu mắng nhiếc nhưng lâu dài cũng đã gây tổn hại rất lớn đến tâm hồn đứa trẻ.
1. Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, khi cha mẹ không kịp thời phản ứng khi cần đồng hành cùng con, đây thực chất là hành vi bạo hành vì đã thờ ơ tình cảm với trẻ. Lâu ngày, trẻ dễ hình thành tính cách thờ ơ, thu mình, không muốn giao tiếp với người khác và đương nhiên không thể lớn lên “khỏe mạnh” về mặt tinh thần và tình cảm.
Nếu cha mẹ luôn đối xử với con cái bằng thái độ thờ ơ hoặc đáp lại một cách qua loa, chiếu lệ sẽ khiến trẻ dễ bị suy sụp tâm lý và cảm thấy mình không còn chỗ đứng trong lòng cha mẹ. Mặt khác, điều đó cũng sẽ gây ra cảm giác lo lắng mạnh mẽ trong lòng trẻ, cảm giác lo lắng này lâu dần sẽ phát triển thành rối loạn lo âu thậm chí là tự kỷ, thậm chí sẽ phát triển thành rối loạn xã hội nếu không được can thiệp kịp thời.
2. Tạo rào cản (lạnh nhạt) giữa cha mẹ và con cái
Chúng ta phải biết rằng điều quan trọng nhất đối với con cái là sự đồng hành của cha mẹ, nhưng khi cả cha lẫn mẹ không đồng hành cùng con trong một thời gian dài, con cái sẽ cảm thấy bị cha mẹ phớt lờ do thiếu giao tiếp. Hơn nữa, do lâu ngày không giao tiếp, mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ dần yếu đi, thậm chí sự suy yếu này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc đối xử với con cháu sau này như một chu kỳ chẳng hay ho gì.
Chắc hẳn sẽ có phụ huynh thắc mắc rằng rõ ràng họ cũng dành nhiều thời gian bên con nhưng chúng vẫn không thực sự thân thiết với bố mẹ. Theo các chuyên gia, xảy ra điều đó có thể là do bố mẹ đang “đồng hành giả” với con cái, tức là nhiều bậc cha mẹ dường như ở bên cạnh con cái hàng ngày nhưng họ lại thiếu giao tiếp, thiếu tương tác với trẻ. Chẳng hạn, cả buổi tối bố mẹ ngồi cạnh con cái nhưng khi con đang chơi đồ chơi, thì bố mẹ lại đang xem điện thoại di động của họ, mỗi người một việc không liên quan đến nhau.
Đôi khi trẻ muốn chia sẻ một số khám phá mới lạ và thú vị, hoặc hỏi những câu hỏi khó giải thích, rất nhiều cha mẹ sẽ luônvđùn đẩy trách nhiệm kiểu “con khoe bố/mẹ đi”, “con hỏi mẹ/bố ấy” hoặc đáp trả bằng những câu trả lời rất qua loa, chiếu lệ chưa thỏa mãn được sự hiếu kỳ của trẻ... Cứ thế theo thời gian, trẻ sẽ mất dần hứng thú giao tiếp với cha mẹ và dễ chán nản trong lòng. Nhiều trẻ sẽ bắt chước thái độ của cha mẹ cũng sẽ trở thành một người lạnh nhạt, xa lánh và thờ ơ… Gia đình khi ấy sẽ không còn là một gia đình đúng nghĩa, mối quan hệ cha mẹ và con cái rơi vào tình trạng nguy hiểm, khó kiểm soát.
3. Hình thành tính cách xấu ở trẻ
Ngoài những công việc bên ngoài xã hội, công việc đối nội đối ngoại trong gia đình, nhiều cha mẹ mỗi khi rảnh rỗi lại chỉ chăm chăm “chơi” điện thoại như là một sự thư giãn hơn là dành thời gian cho con cái. Chính vì điều đó, đôi khi trẻ muốn chơi cùng hay muốn được bố mẹ quan tâm sẽ cố tình bày trò để thu hút sự chú ý của cha mẹ như khóc lóc ăn vạ, nghịch ngợm, thậm chí phá phách, bất cần… Một số khác không tìm được niềm vui với bố mẹ, sẽ chọn cách bắt chước bố mẹ giải trí bằng cách chơi điện thoại di động hoặc trò chơi điện tử…
Tất cả đều là tiền đề hình thành nên những hành vi, tính cách xấu ở trẻ. Nhiều phụ huynh than phiền con họ hư thế nọ thế kia nhưng lại không hề biết rằng chúng hư lại chính do từ họ mà ra.
Lời kết
Trên đời có cha mẹ nào mà không thương con nói gì đến việc chủ động làm tổn thương chúng, nhưng chính vì sự sơ suất của cả cha lẫn mẹ trong cuộc sống hàng ngày mà họ đã gây ra tổn hại đến tâm hồn, tính cách và tình cảm của những đứa trẻ. Đối với con cái, không ai có thể thay thế được sự đồng hành, quan tâm của cha mẹ và tình yêu thương của cha mẹ, vì vậy cha mẹ hãy thực sự lưu ý, đừng để kiểu bạo lực gia đình mới này gây thiệt hại cho con mình.
Thế giới của trẻ em thực sự rất đơn giản. Tất cả những gì chúng muốn là tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ. Các bậc cha mẹ hãy nghiêm túc đặt điện thoại xuống, gạt bỏ bớt công việc để bao dung và gần gũi với con để cho con được nhận sự yêu thương và khích lệ kịp thời. Hãy tạo điều kiện để trẻ được lớn lên trong không khí gia đình đầm ấm thay vì tước đi thời gian trưởng thành quý giá và hạnh phúc của chúng, để chúng lớn lên với những khiếm khuyết không đáng có.
Theo Vietnamnet
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com