Tư liệu về thời son rỗi của Nam Phương Hoàng Hậu vốn không nhiều nhặn.
Bấy lâu nay công chúng chỉ đồng thanh câu chuyện về một thiếu nữ tên Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, mới tuổi 12 đã được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Vốn dĩ chi tiết này đã là một khác biệt, bởi cánh điền chủ vốn thường quanh năm suốt tháng bận rộn với ruộng vườn đất đai, trọng của cải hơn là chữ nghĩa – nhất là tư duy đối với cánh con gái. Quan niệm của họ rõ ràng: Với một cô gái, chỉ cần đẹp và dịu dàng là đủ, việc gì phải có học để làm kém duyên đi?
Khách quan mà nói thì thiếu nữ Thị Lan cùng cô chị của mình tức Agnès Nguyễn Hữu Hào sống trong nhung lụa từ bé, tuổi xuân êm đềm thong thả. Sau này nhiều hồi ký, nhiều câu truyện cũng cho rằng đó mới là quãng thời gian đẹp nhất đời của Hoàng hậu thay vì cái thời khắc sánh đôi cùng Bảo Đại.
Một số kẻ hiếu kỳ muốn rõ hơn về thanh xuân của Nam Phương nên cũng lần mò kỹ lưỡng về ngôi trường Couvent nhưng cũng chỉ lờ mờ rất ít thông tin. Năm 18 tuổi bà đỗ tú tài Tây về nước, cả khoảng thời gian đó không ai hay bà đi đứng ra sao, ăn nói thế nào. Tất cả thông tin chỉ là những đồn đoán vu vơ “nhìn mặt mà bắt hình dong”.
Với chiều cao trội bật đến hơn 1m75 (thậm chí khi sánh vai cạnh Bảo Đại cao 1m82 thì Nam Phương Hoàng hậu cũng không thua thiệt quá nhiều dù luôn đi giày gót thấp), nghiễm nhiên bà là tâm điểm của mọi khung hình. Sắc vóc mảnh khảnh, gương mặt thanh tú, ánh mắt kiêu hãnh của chim oanh trong lồng son… và đặc biệt nhất có lẽ là mái tóc phi-dê bất biến, thường là từng búp quăn với phần mái chải bồng cao thời thượng, thay vì xoăn-tít-thò-lò như cánh gái phố thị thường nhẵn mặt chốn phồn hoa.
Bà chuộng váy dài, thường là kiểu midi dài 5 phân trên phần mắt cá chân, có độ ôm lẫn độ rủ vừa phải tựa hồ một lớp da thứ hai trên sắc vóc bản thân, hết mực nữ tính và khéo chiều đường cong phụ nữ nhưng tuyệt nhiên không phô phang chút phần da thịt nào.
Với kiểu trang phục này, nếu dài thướt tha như đầm vũ hội thì bà chọn kiểu sandal quai mảnh với phần gót vuông – dịu dàng mảnh khảnh, không cong cớn sắc sảo như kiểu giày nhọn hoắt cả mũi lẫn gót. Hoặc nếu là đầm giản tiện cho hợp khung cảnh thường ngày thì bà xỏ chân vào dáng Oxford hay Ballerina – vốn là những biểu trưng bất biến cho thời trang Tây phương, cũng là vật bất ly thân của giới tri thức tuấn kiệt lúc bấy giờ.
Nhắc tới bà Nam Phương, nhiều người nhớ đến bức thư tay 66 chữ gửi cho tình nhân của Bảo Đại, số khác lại liên tưởng về khung ảnh trong dinh thự lừng lẫy tại Đà Lạt. Thế nhưng, bà Nam Phương lúc đó chưa phải là Nam Phương Hoàng hậu, mà là cô nữ sinh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan trong ống kính nhiếp ảnh gia Tây phương. Hậu thế nên gửi lời cảm ơn nồng thắm đến vị nhiếp ảnh gia đó, bởi ông không chỉ lưu trữ cho đời một di sản, mà còn trân quý giùm bà Hoàng nước Nam một thời vô lo vô ưu.
Chiếc đầm cổ đổ màu trắng với phần tay trần ắt là một cơn chấn động thời trang đối với phái nữ thời phong kiến. Đọc đến đây, chắc chúng ta cũng đã hiểu tuổi trẻ của Nam Phương Hoàng hậu “bạo” đến nhường nào.
Cũng bởi vì huyền thoại đến thế nên khi thiếu vắng màn tái hiện chiếc váy trắng trong sản phẩm âm nhạc mới nhất, ekip của ca sỹ Hòa Minzy vô tình mang lại chút nuối tiếc đến với những “fan trung thành thời hiện đại” của Bà Hoàng nước Nam. Dù sao cũng nên đặt tính logic lên hàng đầu, bởi mạch chuyện của MV xoay quanh cuộc hôn nhân ly kỳ giữa Nam Phương và Bảo Đại thay vì rẽ lái sang cái thời của Nguyễn Hữu Thị Lan.
Còn nếu vẫn si mê đến bất chấp đúng sai, chớ quên rằng siêu mẫu Lan Khuê đã tô vẽ lại chính thiết kế này thành bộ trang phục trọng đại nhất đời cô: Váy cưới. Thậm chí nó có giá trị lên đến nửa tỷ đồng!!!
Tuy là phận ngọc diệp kim hoa, thế nhưng mối duyên giữa Thị Lan và Bảo Đại vốn không được đồng thuận ngay từ đầu. Nhà không có gốc quan, chưa kể còn là nữ nhân Công Giáo, Thị Lan dù gia thế chẳng kém ai nhưng vẫn không môn đăng hộ đối với Vua.
Để dẹp yên bất đồng từ triều đình, Bảo Đại thẳng thắn: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho Triều đình đâu”. Mặt khác, ông cũng dọa “ở giá” để an lòng Từ Cung Thái hậu, đồng thời dỗ ngọt rằng Hoàng hậu tương lai sẽ tuân thủ đúng tập tục lễ nghi, giữ trọn lề thói của một nàng dâu nước Nam.
Đăng cơ phượng vị xong xuôi, quả Nam Phương Hoàng hậu có chiều lòng con dân khi trở thành một hiền thê mẫu mực chuẩn chỉnh trong khoản ăn mặc. Chỉ có Bảo Đại là thất hứa với bà, từng thề nguyền thủy chung một vợ một chồng nhưng hóa ra cái tính phong lưu chỉ có tăng theo năm tháng chứ nào giảm cho được.
Về lễ phục thì như ai nấy đều biết, bà hoàng nước Nam được trao ân điển phục sức với đồ màu vàng kim – sắc màu của Hoàng đế, cũng là nữ nhân độc nhất được đội khăn vành. Về thường phục, để nhập gia tùy tục, Nam Phương tìm đến mái tóc vấn, tà áo dài, tạm nép mình vào hình tượng phụ nữ truyền thống.
Để hiểu rõ hơn về cái sứ mệnh không tên của Nam Phương với tà áo dài, người viết xin mạn phép đặt bà cạnh một biểu tượng khác: Bà Nhu, vị phu nhân quý phái với cái lối áo dài cổ thuyền cũng vang bóng một thời. Dân tình xôn xao rằng bà Nhu rất “chơi”, dấy lên cả một xu thế mang tên Lụa Hà Đông, “cháy hàng” hơn cả lụa từ Hermes hay Mossul. Nếu bạo dạn mô tả thì lối cổ thuyền đấy của bà Nhu khiến tà áo dài trông "chơi" hơn hẳn, lại còn đi kèm với hàng tá trang sức như cài áo màu ngọc lam hay đeo vòng ngọc trai chỉ độc nhất một hạt.
Nếu bà Nhu cứ "chơi" như thế, ướm cả kiểu bó chịt eo và nở toang phần hông mang tên “New Look” của nhà mốt Dior vào áo dài thì Nam Phương Hoàng hậu lại trân quý cái đẹp mực thước. Cùng mê đắm Dior như bà Nhu, ấy thế nhưng với Nam Phương thì “New Look” là “New Look”, Áo dài là Áo dài. Suốt thời kỳ tại vị nước Nam đến năm 1947, hình ảnh của Hoàng hậu luôn gắn liền với kiểu áo dài dáng suông nhã nhặn kín đáo, tóc vấn khăn và ắt không thể thiếu những chuỗi ngọc trai. Với bà, áo dài và ngọc trai sinh ra để cho nhau như Rồng với Phượng, khó có thể tách rời.
Cũng có thông tin rằng Nam Phương và Bảo Đại trong một chuyến ra Bắc có cất công sang tận địa chỉ 16 Cầu Gỗ (Hà Nội) để may áo dài. Nghe đâu đó là nhà may nức tiếng nhất nhì thuở đó, lúc nào cũng có 60 người thợ túc trực làm việc ngày đêm. Kỹ thuật may ở đây cũng vào hàng thượng thừa, mũi khâu điệu nghệ đến mức người ta không thể phát hiện ra đường chỉ khâu ở viền áo. Chủ cửa hàng được Vua và Hoàng hậu ban thưởng tiền vì bộ áo dài ưng ý. Vì thế, tiếng tăm của cửa hàng càng ngày càng truyền xa hơn.
Nếu nhắc về lối ứng dụng thời trang thì không thể không kể đến cái khéo của bà ở khoản ngoại giao. Văn minh Tây lẫn cái “Mới” dát đầy người, nhưng bà Nam Phương luôn trọng truyền thống, chủ trương mang tà áo dài đến với quý khách năm châu bốn bể như lần gặp mặt trao đổi cùng Giáo hoàng tại Vantican vào ngày 20 tháng 7, năm 1939. Sắc vàng kim rực rỡ của tà áo dài trên sắc vóc Nam Phương như lời khẳng định rằng, dù có hướng ngoại đến đâu, có văn minh ra sao và trọng Công Giáo thế nào, mực thước của một người phụ nữ Việt Nam vẫn là ưu tiên không thỏa hiệp trong tư duy của Bà Hoàng nước Nam. Suy cho cùng, Nam Phương Hoàng hậu ắt là vị Đại sứ Thời trang đầu tiên của nước ta.
Sống cùng Bảo Đại càng lâu, ánh mắt của Nam Phương càng buồn và lặng lẽ.
Ngay từ đầu, cái tên mà Bảo Đại trao cho bà đã ấn định cả một số mệnh: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng”. Sau bao biến cố, Nam Phương Hoàng hậu trở thành người đàn bà tha hương trên đất Pháp.
Có lẽ do điều kiện không cho phép, thế nên từ đó hình bóng những bộ áo dài bên bà trở nên tản mác, phần nhiều bị thay thế bởi Âu phục. Sở thích ăn mặc của bà trong thời kỳ này cũng được ghi chép khá chung chung: “Nam Phương Hoàng hậu sành thời trang và có gu ăn mặc thanh lịch, tinh tế. Bà rất thích mua đồ của nhãn hiệu Christian Dior và Balmain, màu tím nhạt được bà ưa chuộng nhất”.
Trong một đoạn băng đen-trắng được ghi lại tại Cannes (Pháp) vào năm 1955, công chúng được chiêm ngưỡng Nam Phương diện bộ bar-suit, cổ đeo vòng ngọc trai như thường lệ. Nếu đối chiếu lịch sử thì đây đúng là thời điểm mà bar-suit của Christian Dior tạo nên cơn sang chấn toàn châu Âu, đến mức Carmel Snow - Tổng biên tập khi ấy của Harper’s Bazaar - đã thốt lên: “It’s such a New Look!” (tạm dịch: Thật là một sự cải cách trong phong cách). Ngần ấy là đủ hiểu bà Nam Phương đã thức thời thế nào với thời trang.
Tuy tha hương đất khách, nhưng khi được trở về Pháp thì quả thật Nam Phương đã vào thế “cá gặp nước”, bản ngã thời trang vốn được tiết chế từ thời mới đăng cơ nay bung tỏa nở rộ. Bản thân bà có hai tôn chỉ: Một là đạo Công giáo và điều thứ hai, chắc là phong cách Parisian chic – tối giản, sang trọng nhưng khiêm nhường, đi sâu vào đường nét và màu sắc hơn là lối xử lý bề mặt chất liệu với hàng tá thứ bóng loáng cảnh vẻ.
Những chiếc xắc gọn gàng, từng kiểu mũ mới nhưng không quá lạ, đôi giày chẳng quá cao mà vẫn tôn dáng… thông điệp của Nam Phương về lối phục sức của phụ nữ rất rành rọt: Hãy ăn diện để thể hiện một tri thức lớn thay vì một tài sản kếch sù.
Cái khí chất Parisian chic ấy thực chất đã đầy tràn trong huyết quản bà từ lâu, không chỉ giới hạn trong áo váy mà ngay cả lối điểm tô dung mạo cũng ảnh hưởng rất nhiều. Trong bao khung hình của bà, người viết chợt nhận ra: Bà chưa bao giờ ướm màu son đỏ lên đôi môi của mình, chí ít trong những hình ảnh được tiết lộ trước công chúng.
Từ thiếu thời vô tư đến khi chững chạc bươn bả, nhan sắc của Nam Phương Hoàng hậu thường vẫn được nhớ tới với nét bán diện thanh tú và dung dị, sống mũi cao và đôi mắt buồn, dường như chẳng ai tự hỏi rằng trên làn da thủy tinh của bà tồn tại bao lớp son phấn cả thảy. Trang điểm mà cũng tựa như không trang điểm, hay nói đúng hơn là bà đã tạo cảm giác hết mực tự nhiên cho cả người làm đẹp lẫn người thụ hưởng cái đẹp. Như vậy, lối trang điểm tinh giản của Nam Phương hẳn đã được thừa hưởng từ quá trình du học và kể cả khi đã đăng cơ phượng vị, thói quen này cũng không mảy may thay đổi.
Thi thoảng công chúng cũng được chiêm ngưỡng bà trong những bộ dạ hội dài chấm đất, có phối cùng áo choàng tôn quý nhưng chúng hầu hết đều được ứng dụng rất hợp cảnh: Không là tiệc tối thì cũng hẳn một buổi gặp mặt trang trọng, chứ không ướm đại vào cái khung hình ngồi võ vò trông con ngủ như MV của Hòa Minzy vừa khắc họa. Phải rất khen cho ekip của nữ ca sỹ đã dụng tâm để duy trì cái vẻ ngoài của một Bà Hoàng, có điều cái hồn thì còn chưa chạm tới.
Dần dà, tự Nam Phương để cái cô đơn bao quanh khiến người ta quên bà. Những ngày cuối đời, bà sống ở điền viên ở trang trại Charbrignac - bất động sản duy nhất bà giữ lại cho riêng mình, sau khi chia hết các tài sản khác cho các con. Bà Nam Phương mất đi, dù vậy chút hương nồng của nước Nam trên đất Pháp lặng lẽ vẫn là những di sản quý báu khiến biết bao người người cảm thán, ngưỡng mộ khi nghĩ về Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung.
Theo Trí thức trẻ