Những ngày này ngôi nhà số 8-12, đường Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM thành địa điểm phát gạo, mì và thực phẩm hàng ngày cho người dân trong thời gian giãn cách toàn xã hội.
Tấm biển "Ai cần thì lấy, ai thừa thì cho" được đặt phía trước cửa. Địa điểm đặt tấm biển và phát gạo, mì là nhà của một người dân ở trong khu phố. Nhưng những phần quà này không của riêng ai mà do rất nhiều người góp vào.
|
Tấm biển ai cần thì lấy, ai thừa thì cho được đặt trước nhà một người dân trên đường Bình Giã |
Từ khi có tấm biển này, hàng ngày từng đợt người dân đến xếp hàng nhận gạo, mì, nước tương và các nhu yếu phẩm khác. Dù trời Sài Gòn rất nóng bức nhưng lượng người đến nhận quà khá đông. Những người đứng phát đồ đều nhắc nhở họ phải mang khẩu trang, đứng giãn cách để tránh nguy cơ lây bệnh.
Mỗi ngày, những người cần trợ giúp đều tới đây để nhận quà, người đi rồi người khác lại tới. Bà con trao quà ở đây cũng không biết họ là ai nhưng nhìn là nhận ra những người lao động vất vả, lấm lem mồ hôi.
Trong số những người tới nhận quà, bà con khu phố cũng nhận ra một số "người quen". Đó là những thường ngày vẫn len lỏi vào các quán cà phê hay ngõ phố, bán từng tờ vé số kiếm tiền nuôi gia đình. Nay biết có nơi đây giúp đỡ trong những ngày vé số ngừng phát hành, họ không che giấu nổi niềm vui.
Điều đặc biệt ở đây những người đứng phát quà cũng toàn là những người đã lớn tuổi. Họ đều là cán bộ hưu trí, giáo viên về hưu nên đồng lương cũng chỉ đủ sống. Từng phần quà được người người lớn tuổi trao cho người lớn tuổi khiến tình người thêm ấm áp.
Đăng tải những hình ảnh này lên trang cá nhân, thầy Lê Ngọc Điệp, một nhà giáo về hưu cũng là người dân trong khu phố để lời dẫn: "Những ông bà, những người gặp khó khăn hãy đến đây nhận chút tấm lòng lúc hoạn nạn trong đại dịch covid-19. Những gia đình có tấm lòng xin cùng nhau đóng góp".
Trước đây, thầy Điệp từng là Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, có mối quan hệ khá rộng với nhiều đồng nghiệp, bạn bè vì vậy lãnh thêm trọng trách kêu gọi. Đều đặn hàng ngày thầy Điệp đăng tải lời kêu gọi lên trang cá nhân cũng nhắn tin kêu gọi, mời người dân nghèo khó tới nhận quà.
Ban đầu những phần quà gửi tới người dân còn ít, nhưng sau lời kêu gọi của thầy Điệp, hàng trăm phần quà đã được gửi tới.
Người góp quà là một tập thể lớp đại học cách đây mấy chúc năm nay đã nghỉ hưu gần hết, là cô Tuyết, chú Mỹ, bà An, là hội nhóm cà phê mà không biết họ là ai, ở đâu.
"Xin cảm ơn gia đình cô Tuyết và gia đình chú Mỹ" - dòng chữ này được dán trên 10 thùng mỳ gửi tới.
"Tập thể lớp BK07, khoa kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ủng hộ bà con gạo mùa dịch" - dòng chữ này dán trên nhiều bao gạo.
Dòng chữ "Chút ít tấm lòng xin gửi bà con cùng vượt qua covid-19 – cà phê thứ 6 của anh em cựu giáo chức" được để trên 15 bao gạo…
Rồi cả sự hỗ trợ của hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc phường và bà con trong khu phố như ông Hoàng Sum, ông Vân, bà Hương, ông Hạnh, anh Liệu, anh Hoàng….và nhiều người nữa.
Từng món quà cứ thế gửi tới nhiều hơn. Người góp gạo, người mì, người góp nước tương… Trong khu phố, bà con hưu trí cũng đóng góp bằng tiền để mua, mỗi nhà một ít làm nên số nhiều. Vì vậy, mấy hôm nay địa điểm này rất đông người lao động nghèo đến nhận. Ai lui tới đây cũng có quà mang về.
Thầy Lê Ngọc Điệp cho biết cả khu phố đều là những người lớn tuổi, gần như đã nghỉ hưu cả. Hàng ngày chứng kiến có rất nhiều người đi bán vé số, nhặt ve chai, làm thợ làm đi ngang qua, mọi người băn khoăn không biết những ngày này họ lấy gì để ăn, để sống, liền cùng nhau góp lại để hỗ trợ.
Rất ngại chia sẻ về việc làm này, thầy Điệp nói đây chỉ là tấm lòng và mọi người làm lặng lẽ với trái tim mình. Bản thân ông cũng không muốn đề cập, mà chỉ xin những ai có tấm lòng hãy cùng chung tay ủng hộ người khó khăn hơn trong đại dịch.
|
"Chút ít tấm lòng xin gửi bà con cùng vượt qua covid-19 – cà phê thứ 6 của anh em cựu giáo chức" được gửi tới |
Những thùng mì của cô Tuyết, chú Mỹ, gạo của một lớp ĐH năm xưa |
Người tới nhận quà là lao động nghèo, xe ôm, bán vé số... |
Người già trao quà cho người già khiến tình người thêm ấm áp
|
Theo Vietnamnet
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com