Khi GS Bích Ngọc mất, chị Trà Giang rất buồn. Nhiều lúc tôi muốn nói với chị rằng, sao chị không động viên cháu Bích Trà về nước?
Trong cuộc thi Người đẹp miền Đông Nam Bộ và TP.HCM tổ chức tại Vũng Tàu, Nguyễn Thiên Nga đăng quang và sau đó trở thành Hoa hậu Việt Nam 1996. Buổi chiều, trước vòng chung kết khu vực, NSND Trà Giang, nhà tạo mẫu Minh Hạnh và tôi tranh thủ đi tắm biển.
Mặc dù tôi và chị Trà Giang đã nhiều lần tham gia ban giám khảo, nhiều lần cùng nhau rong ruổi trên mọi nẻo đường của đất nước nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị trong bộ đồ tắm. Tôi sững sờ trước vẻ đẹp hình thể của NSND Trà Giang dù lúc đó chị đã ngoài 50 tuổi. Chả trách, người ta thường gọi chị là Người đàn bà đẹp xuyên thế kỷ.
NSND Trà Giang sinh năm 1942 ở Quảng Ngãi. Có lần chị tâm sự về gia đình, quê hương. Chị kể ba chị quê Quảng Ngãi, má quê Phan Thiết. Cả sáu chị em trong gia đình Trà Giang đều được ba lấy tên những vùng quê Quảng Ngãi đặt tên cho mỗi người con. Anh lớn là An Sơn (núi Thiên An); rồi đến Trà Giang; Bút Sơn; Thạch Bích…
NSND Trà Giang kể rằng năm 1959, chị thi đỗ trường múa. Lẽ ra sự nghiệp của chị là một diễn viên múa. Nhưng ba NSND Trà Giang, NSƯT Nguyễn Văn Khánh đã nói: "Con có một gương mặt đẹp, sao không thi vào trường điện ảnh?”. Và chị đã làm theo lời bố.
Tôi đã có lần tắm biển với NSƯT Nguyễn Văn Khánh. Năm đó ông ngoài 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông bơi xa hơn cả tôi. Mỗi lần lên bờ ngồi trên bãi cát trắng của bãi biển Vũng Tàu, ông lại kể nhiều chuyện vui, trong đó có chuyện các con mình, chuyện về những ngày đầu chập chững vào đời của cô con gái Trà Giang. Người bố đã hiểu con, tạo mọi điều kiện cho con trên con đường nghệ thuật. Có lẽ vì thế mà sau này, NSND Trà Giang rất chú trọng việc dạy con, định hướng cho cô con gái Bích Trà trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng.
Có một lần, tôi được gia đình chị Trà Giang mời cơm. Năm đó, chồng chị là Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bích Ngọc đang là Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM. NSND Trà Giang tâm sự: "Hồi ấy tôi mới 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng tôi gặp may khi lấy được anh ấy… Tôi đã gặp được một người chồng bao dung, độ lượng và thương vợ hết lòng".
Bích Ngọc vốn là một cây violin nổi tiếng. Hôm ấy, ông rất vui. Ông chơi một nhạc khúc bằng cây đàn violon làm tôi ngây người. Trông ông rất hiền, tế nhị và hào hoa. Tôi cũng không ngờ GS Bích Ngọc là em ruột nhà văn Nguyễn Thành Long, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sa Pa.
Chuyện NSND Trà Giang định hướng cho con đi vào con đường nghệ thuật đầy chông gai, mãi sau này chị mới tâm sự với tôi. Chính con gái chị là Bích Trà buổi đầu cũng không muốn theo nghề bố mẹ. Bích Trà học giỏi văn và các môn tự nhiên. Những kỳ nghỉ hè, tâm lý học sinh là muốn ngày hè kéo dài ra để còn được vui chơi thỏa thích. Ấy vậy mà Bích Trà lại thấy sốt ruột vì mùa hè quá dài. "Giời ơi, sao mà nghỉ lâu quá. Khi nghe Bích Trà kêu lên như vậy, tôi hiểu con gái mình thực sự đam mê nghệ thuật ngay khi còn đi học", NSND Trà Giang tâm sự.
Lên 5 tuổi, Bích Trà đã ngồi trước cây đàn piano mà bố mẹ dành dụm mua về. Nhưng, Bích Trà lại nói: "Bố có nghề của bố, mẹ có nghề của mẹ, con cũng sẽ có nghề của con". Tuy nghe con nói vậy nhưng chị hiểu những đam mê của con gái mình. Biết con mình có năng khiếu gì nên chị kiên trì định hướng cho Bích Trà ngay lúc còn nhỏ dù biết rằng con đường đến với nghệ thuật là muôn vàn chông gai, phải hy sinh nhiều thứ.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ đi qua hai cuộc chiến tranh gian khổ, hơn 10 tuổi đã phải theo bố mẹ tập kết ra Bắc nên mỗi lần phải xa con, chị thấm thía nỗi lòng của người làm cha làm mẹ.
Năm NSND Trà Giang đi dự liên hoan phim quốc tế ở Mátxcơva, phải xa con cả tuần, chính chồng chị - GS. Bích Ngọc đã phải cho con bú bằng bình sữa.
Năm 1977, khi tham gia bộ phim Mối tình đầu, chị phải gửi con gái cho ông bà ở Nha Trang. Ngồi trên ô tô, nước mắt chị cứ trào ra vì nhớ con. "Xa con là nhớ con tưởng như đứt ruột, thế nhưng vì sự nghiệp, vì tương lai của con mình nên năm cháu Bích Trà mới 14 tuổi, vợ chồng tôi quyết định cho con gái sang Nga học", chị tâm sự.
Có một dạo, tôi vào Sài Gòn công tác, đến thăm vợ chồng chị. Khi tôi đến căn nhà trước đây cả gia đình chị vẫn ở mới biết chị vừa cho người ta thuê. Chị thuê một căn phòng nhỏ trong một khu chung cư để ở. NSND Trà Giang bảo tôi rằng, giờ cháu Trà đi du học ở nước ngoài, vợ chồng chị phải cho thuê nhà để có thêm một khoản tiền chu cấp cho cháu.
Dạo sang Anh Quốc công tác, tôi có gọi điện cho Bích Trà hẹn đến thăm. Tôi biết 17 năm học tập ở xứ người, Bích Trà đã trở thành một nghệ sĩ piano danh tiếng. Rồi con gái tôi, Dương Anh Xuân sau khi tốt nghiệp thạc sĩ báo chí quốc tế ở Manchester, cháu chuyển về London học thêm ở trường đại học nghệ thuật và ở chung phòng trọ với Bích Trà. Tôi hỏi cháu: “Ở với chị Trà thế nào?” Cháu bảo: “Hết ý bố ạ”. Rồi cháu báo tin: “Chị Trà mua được nhà riêng rồi bố ơi, vui quá”. Tôi cũng rất vui. Tôi điện cho chị Trà Giang để chúc mừng. Mừng chị đã nuôi dạy con nên người, trở thành tài, thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng.
Khi GS Bích Ngọc mất, chị Trà Giang rất buồn. Nhiều lúc tôi muốn nói với chị rằng, sao chị không động viên cháu Bích Trà về nước? Nhưng rồi, tôi lại nghĩ, NSND Trà Giang, diễn viên Việt Nam đầu tiên được giải thưởng quốc tế, đã từng là nghị sĩ quốc hội nhiều khóa, người phụ nữ có đôi mắt biết nói ấy luôn tỏa sáng trên bầu trời điện ảnh nước nhà chắc sẽ biết mình phải làm gì. Quả đúng như thế, chị đã chọn cây bút vẽ để làm vợi nỗi buồn phải xa con.
Mỗi lần vào TP.HCM công tác, tôi lại đến thăm chị, đến thăm phòng tranh của NSND Trà Giang. Khi đọc những bài viết trên báo chí nói về tranh của NSND Trà Giang, tôi thực sự tò mò. Và chỉ khi tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh, tôi mới thực sự hiểu rằng con đường nghệ thuật của người nghệ sĩ chính là cuộc đời của họ hóa thân vào nghệ thuật. Những bức tranh của chị thấm đẫm một nỗi buồn tinh khiết. Nỗi buồn mất chồng, xa con, nỗi buồn muôn thủa của người nghệ sĩ lớn.
NSND Trà Giang và niềm vui hội họa tuổi xế chiều. |
Bây giờ trong nhà tôi, ngoài những bức tranh của con gái tôi và một số bức tranh của các danh họa thế giới, tôi treo tranh chị Trà Giang vẽ. Những bức tranh chị tặng tôi, cả những bức tôi mua của chị. Có một bức tranh chị vẽ đôi giày của người đàn ông nằm chơ vơ bên thềm nhà, mỗi lần ngắm, tôi lại rùng mình. Tôi có cảm tưởng như đó là tất cả nỗi buồn ngơ ngác của thế gian này trước sự vô định của cuộc đời.
Chuyện gia đình NSND Trà Giang chính là chuyện một gia đình nghệ sĩ tiêu biểu ở Việt Nam, trong đó tất cả các thành viên trong gia đình suốt đời vì nghệ thuật. Vợ chồng chị Trà Giang đã nuôi con thành tài và tôi nghĩ rằng trong mọi sự hy sinh thì sự hy sinh vì hạnh phúc gia đình, trong đó có sự hy sinh tình cảm có lẽ là hy sinh lớn nhất và khó nhất mà không phải người mẹ nào cũng có thể vượt qua.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com