Xét ở một góc độ nào đó, đứa con khi ra khỏi bụng mẹ, đã không còn là của mẹ nữa rồi, nó thuộc về cộng đồng nó đang sống và sẽ tham gia vào đó. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ tầm 2-3 tuổi trở lên đã phát sinh nhu cầu có bạn bè và giao tiếp trong một cộng đồng.
Càng lớn, khuôn khổ và phạm vi giao tiếp của trẻ sẽ càng mở rộng về đối tượng và loại hình. Chu vi vòng tròn giao tiếp và nhu cầu càng mở rộng, tỷ trọng mối quan tâm của chúng đến mẹ cha càng ít đi so với thuở bé, dù diện tích tiếp xúc bề mặt hay tình thương không thay đổi.
Nhà tôi có hai đứa cách nhau gần hai tuổi, chúng làm bạn với nhau cả ngày và cũng gần như đánh nhau suốt ngày.
Dù tôi có nghĩ ra nhiều cách, tận tâm trong việc quan sát, thấu hiểu để chơi với con, thì chưa bao giờ tôi có thể chơi với một trong hai đứa chúng lâu và vui như chúng có thể chơi với nhau. Bởi ngay từ xuất phát điểm, trẻ có ngôn ngữ của chúng mà người lớn không mấy hiểu, và vấn đề nữa là rào cản về tuổi tác, trẻ cho rằng mình không cùng lứa với chúng để chơi trò nào đó.
Điển hình như có lần chúng đóng cửa phòng vào, đuổi tôi và bảo, bọn con đang chơi trò bọn con, ba ra ngoài đi!
Càng lớn, nhu cầu giao tiếp của trẻ càng mở rộng. Chúng thánh thiện hơn người lớn ở chỗ, vừa đánh nhau cãi nhau xong, năm phút sau đã lại thấy chúng giải quyết mâu thuẫn ổn thỏa và lại thân ái như chưa từng có gì xảy ra.
Đây là điều mà người lớn có thể mất cả tuần cả tháng, thậm chí cả đời cũng chưa giải quyết được một cách trọn vẹn. Càng lớn, thời gian giải quyết mâu thuẫn càng lâu, nên tôi cho rằng, đúng ra là chúng ta nên học con, hoặc giúp con làm thế nào để chúng có thể giải quyết các mâu thuẫn chúng gặp phải trong đời sau này nhanh như cái chúng đã từng tự giải quyết thuở bé.
Trường học là một trong những hình thái quan trọng nhất, để đứa trẻ trải nghiệm và thấu hiểu về hình thái xã hội mà sau này chúng sẽ phải sống.
Trong gia đình, trẻ chỉ duy nhất đón nhận một thứ tình cảm, đó là yêu thương. Ở trường học, chúng có gần như tất cả.
Năm tôi 17 tuổi, như bao đứa trẻ ở quê khác, lũ chúng tôi kéo ra Hà Nội học với 36 giờ đi ô tô nếu muốn về quê. Hàng ngày sống trong một cộng đồng hàng ngàn người tứ xứ và hoàn toàn xa lạ, muốn gọi điện phải viết thư hẹn giờ để gặp được gia đình.
Chúng tôi sẽ sống để trở nên tốt và trưởng thành cùng ai, nếu không phải bạn bè?
Tôi phải nhắc lại một chuyện buồn, cùng năm đó, do một tai nạn, bạn tôi đang từ một công tử phố thị mất cả cha mẹ và toàn bộ tài sản mà các cụ tích lũy được. Bạn tôi sẽ làm như thế nào để vượt qua, nếu không có cái cộng đồng xa lạ đó đùm bọc lẫn nhau?
Từ mất mát của bạn tôi, tôi nhận ra được ngay lúc ấy, một điều cho bản thân và con cái mình sau này, đó là những đứa con sinh ra ở trên đời này, chúng có đời sống của chúng, và không có bất cứ ai có thể lo toan cho chúng được, ngoài chính bản thân chúng cả.
Suy nghĩ, mong muốn lớn nhất của tôi thường chỉ là đem đến cho con yêu thương và sự hỗ trợ tối đa nhất, để sao cho con mình sớm trưởng thành, có một cộng đồng bạn bè tốt, tách ra khỏi chúng tôi, là cha mẹ, càng sớm càng hay. Để nếu một ngày con tôi nếu không may rơi vào hoàn cảnh như bạn tôi, chúng sẽ sống như tôi hằng muốn chúng được, hoặc khao khát chúng có thể sống như thế.
Với tôi, điều quan trọng nhất là những đứa trẻ sẽ sống như thế nào trong cái cộng đồng mà đứa trẻ sẽ đến, chứ không phải là học cái gì và bao nhiêu điểm.
Dũng Lê
Theo Vietnamnet
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com