Công ty cổ phần Tập đoàn TH đang nghiên cứu, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực bãi bồi sông Đáy; bãi bồi ven sông và cù lao sông Hồng qua địa phận các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh và các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên và Hoàng Mai. Đây là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng và chế biến nông sản kết hợp du lịch sinh thái.
Bà Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tham gia ký kết tại Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển diễn ra sáng 27/6.
Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến 2022 với mục tiêu phát huy và khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu và đặc biệt là về vị trí địa lý của thành phố Hà Nội, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội của thủ đô nói chung.
Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao của Tập đoàn TH ven sông Hồng tại Hà Nội sẽ được xây dựng thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác ươm tạo, sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật giống và làm nông nghiệp cho bà con nông dân; đồng thời thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội cũng như toàn vùng Bắc Bộ.
Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao TH ven sông Hồng - Hà Nội sẽ tạo ra những đột phá đối với ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Góp phần cung cấp một lượng lớn thực phẩm sạch, hữu cơ, có chất lượng cao, an toàn và đạt tiêu chuẩn quốc tế, trước mắt là để phục vụ cho nhu cầu của hơn 8 triệu người dân thủ đô, sau đó sẽ phát triển thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao TH ven sông Hồng - Hà Nội là một khu vực nông nghiệp có cảnh quan đẹp, yên bình nhờ có những khu canh tác nông nghiệp theo mảng lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình dịch vụ nâng tầm quảng bá nông sản, làng nghề truyền thống của Hà Nội và Việt Nam, sẽ trở thành một điểm đến của nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch nông sản, làng nghề đồng thời là điểm giao thương nông sản Việt tầm cỡ quốc tế.
Việc hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao TH ven sông Hồng - Hà Nội sẽ thu hút được một lượng lớn lao động tại địa phương và các vùng lân cận, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Trong Dự án này, địa điểm khoảng 200ha tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ sẽ được Tập đoàn TH quy hoạch phát triển thành vùng lõi của dự án gồm các cấu phần: Nhà máy chế biến; Khu nghiên cứu và phát triển, thí nghiệm và thực nghiệm các giống cây trồng, hoa ứng dụng công nghệ cao, giới thiệu các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu vườn ươm cây, hoa giống; Vùng nguyên liệu tự chủ cho nhà máy; Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp của vùng và của nhà máy (đồ uống, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm)...
Dự án sẽ liên kết sản xuất nông nghiệp trên diện rộng theo hình thức Hợp tác xã với nông dân tại các vùng nông nghiệp bãi bồi và cù lao dọc sông hồng trên địa bàn các quận, huyện nói trên. Theo đó Tập đoàn TH sẽ cung cấp cây giống, chuyển giao và đào tạo công nghệ trồng trọt, tưới tiêu, thu hoạch hiện đại và phân bón hữu cơ, vi sinh cho bà con, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Dự án cũng tổ chức các điểm thu mua và tiến hành kiểm tra chất lượng nông sản đầu ra tại chỗ.
Box: Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác đầu tư và phát triển" sáng 27/6, UBND TP Hà Nội trao biên bản ghi nhớ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TH Hà Nội cho Công ty cổ phần Tập đoàn TH. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị, Thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD); Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD.
Theo giadinhnet/PV
Trụ sở chính: Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: B17, Số 9A, Ngõ 233 Xuân Thủy , Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Tel: (024) 2260 0709 Fax: (024) 3761 8464
Email: hevina2017@gmail.com